Cùng nhau tạo dựng môi trường làm việc an toàn

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, không để xảy ra tai nạn lao động không chỉ là ước mơ đối với những công nhân trực tiếp sản xuất, mà còn là mục tiêu hướng tới của nhiều công ty, doanh nghiệp nhằm tạo môi trường làm việc an toàn giúp cho công nhân yên tâm làm việc.

[caption id="attachment_14501" align="aligncenter" width="800"]Cùng nhau tạo dựng môi trường làm việc an toàn Chị Nguyễn Thị Hiền làm trở lại làm việc tại bộ phận kiểm hàng tại xưởng sản xuất, phù hợp với tình trạng sức khỏe.[/caption]

Từ những câu chuyện điển hình…

Tai nạn lao động đã trở thành nỗi ám ảnh khi cướp đi tính mạng hoặc làm suy yếu, mất sức lao động đối với người lao động. Tuy nhiên, trong thời gian qua, những nguy cơ mất an toàn lao động vẫn còn hiện hữu, nhiều vụ tai nạn lao động vẫn xảy ra tại các công ty, doanh nghiệp ảnh hưởng đến tinh thần và khả năng làm việc của nhiều công nhân lao động.

Với vóc dáng rụt rè, gương mặt vẫn thoảng nét buồn, anh Trần Văn Bảo (công nhân Công ty TNHH Hanoi Steel Centen thuộc Khu công nghiệp Thăng Long) đang cố gắng khôi phục lại tinh thần sau lần bị tai nạn lao động. Nghỉ tĩnh dưỡng trong căn phòng trọ nhỏ, nóng bức, nhưng anh Bảo chưa thể quên được sự cố bất ngờ xảy đến với chính bản thân mình.

Anh cho biết , khoảng tháng 10/2018, trong quá trình vệ sinh máy cuốn thép, do sơ suất, trục máy vẫn tiếp tục hoạt động nên cuốn theo cả hai bàn tay của anh vào máy. Sự cố đã khiến tay anh bị thương nặng. Được xác định thương tật 57%, mặc dù đã được phẫu thuật nối gân, nhưng đến nay đôi bàn tay anh vẫn chưa cử động được. Buồn nản, mặc cảm, thời gian đầu, anh định trở về quê, từ bỏ cuộc đời công nhân. Song  được sự hỗ trợ, động viên của công ty, anh tiếp tục kiên trì điều trị để ổn định sức khỏe.

Cũng trải qua những tổn thương do tai nạn lao động như anh Bảo, hoàn cảnh của chị Nguyễn Thị Hiền (công nhân Công ty cổ phần Kim khí Thăng Long thuộc Khu công nghiệp Sài Đồng) cũng khiến nhiều người thương cảm. Do gặp sự cố với máy đột dập, chị Hiền bị tai nạn lao động với tỷ lệ thương tật 51%. Nhìn bàn tay nay chỉ còn 1 ngón duy nhất, khi nhắc lại sự cố chị Hiền vẫn không giấu được sự bàng hoàng, thảng thốt. Chị Hiền kể: “Ngày đó tôi mới vào làm tại phân xưởng cấp phôi của công ty được 20 ngày. Do là công nhân mới, chưa nắm vững quy trình, kỹ thuật lao động nên tôi đã sơ suất trong thao tác máy đột dập và bị máy cuốn dập nát hai bàn tay”.

Phải nghỉ việc ở nhà hơn 1 năm để chữa trị, chị Hiền không chỉ chịu nỗi đau về thể chất mà sự cố đã khiến chị bị ảnh hưởng nặng nề tinh thần. “Dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tai nạn này cũng để lại nỗi đau tinh thần, thể chất không bao giờ nguôi đối với tôi. Thời gian đầu tôi không thể làm được gì phải nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình.”, chị Hiền tâm sự.

Trải qua quá trình điều trị đầy gian nan, hiện tại Hiền đã phục hồi được một bàn tay. Khi tinh thần đã ổn định hơn, chị Hiền nghĩ rằng, nếu cứ lo lắng mãi, mặc cảm mãi thì chỉ thiệt cho bản thân mình, cho gia đình mình nên chị gắng gượng đi làm trở lại làm việc. Công ty cũng đã tạo điều kiện cho chị làm việc tại bộ phận kiểm hàng tại xưởng sản xuất, phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Những sự cố đáng tiếc của anh Bảo, chị Hiền chỉ là hai trong số hàng trăm vụ tai nạn lao động từng xảy ra thời gian qua. Theo số liệu của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, chỉ riêng năm 2019, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 184 vụ làm 192 người bị nạn. Trong đó, có 21 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 22người chết và 1 người bị thương nặng (nạn nhân thuộc đối tượng có giao kết hợp đồng lao động).

...Đến hành động chung tay của công đoàn và doanh nghiệp vì an toàn cho người  lao động

Có thể thấy nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong số đó có một phần trách nhiệm của doanh nghiệp. Nhận thấy trách nhiệm mang đến sự an toàn cho người lao động, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã cóý thức cao hơn về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn lao động.

Sau khi có ca tai nạn của chị Hiền, Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long đã triển khai các biện pháp cải thiện máy móc. Theo ông Phạm Hữu Hùng (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long), nếu như trước đây cần phải thao tác bằng chân thì nay do cải tiến kỹ thuật,  người lao động lại thao tác bằng tay, điều này tạo sự an toàn hơn cho người lao động.

[caption id="attachment_14502" align="aligncenter" width="800"]Cùng nhau tạo dựng môi trường làm việc an toàn Những thương tật do tai nạn lao động[/caption]

Chính vì thế, thời gian qua cũng như hiện nay ở Công ty đã không còn trường hợp nào bị tai nạn lao động. “Từ nhiều năm nay, Công ty luôn quan tâm đến người lao động làm việc trực tiếp trong các quy trình làm ra sản phẩm. Chị Hiền là trường hợp hy hữu đầu tiên tại doanh nghiệp. Song từ sự cố này, chúng tôi đã rút ra bài học  kinh nghiệm sâu sắc và nỗ lực cải tiến để làm sao công nhân được làm việc an toàn trong vùng nguy hiểm (những khâu, công đoạn có hệ số dẫn đến tai nạn nghề nghiệp cao-PV). Ngoài ra với môi trường sinh hoạt của cán bộ công nhân viên cũng được Công ty chăm lo, cải thiện nhằm đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho công nhân lao động làm việc”, ông Phạm Hữu Hùng cho biết.

Tương tự, là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện máy in và máy photocopy, thấy được những nguy cơ về tai nạn lao động luôn tiềm ẩn, Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam (thuộc Khu Công nghiệp Thăng Long) những năm qua cũng đã tích cực cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ và đặc biệt không ngừng nâng cao hiểu biết và kỹ năng phòng tránh tai nạn cho công nhân.

Anh Nguyễn Minh Sơn- Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SWCC Showa Việt Nam cho biết, nhận biết được tầm quan trọng liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn lao động, Công ty đã thành lập 02 Ban an toàn hoạt động song song. Một của Công ty, một của tổ chức Công đoàn Công ty. Trong đó, nhiệm vụ chính là kiểm tra, đảm bảo vị trí trong khu vực sản xuất và các bộ phận có liên quan đến lao động trực tiếp.

Từ đó đánh giá và đảm bảo các yếu tố an toàn như không khí, môi trường làm việc, những hiểm họa có thể xảy ra như kẹp tay, kẹp chân. Anh Sơn cũng cho biết thêm, quá trình tổng kiểm tra sẽ được tiến hành định kỳ theo tuần, theo tháng. Bên cạnh đó, mỗi ngày cũng sẽ có bộ phận đi kiểm tra từng hạng mục, đánh giá rủi ro trước khi vận hành thiết bị để chuẩn bị cho ngày làm việc mới.

“Hằng năm, Công ty tập huấn cho công nhân về vấn đề vệ sinh an toàn lao động ít nhất một lần. Đối với những công nhân mới vào sẽ có nửa tháng để đào tạo tất cả những nội quy, quy định về an toàn lao động, phòng chống cháy, nổ. Chỉ khi nào công nhân hoàn thành khóa đào tạo, có giấy chứng nhận mới được  chính thức vào làm. Nếu không đạt yêu cầu, công nhân đó sẽ phải tiếp tục đào tạo lại.

Đối với tất cả vị trí có chuyển động, có lực ép lớn, Công ty đều lắp đặt lớp rào chắn bảo vệ. Mục tiêu và phương châm của Công ty đề ra trong năm 2019 -2020 là số vụ tai nạn trong toàn công ty bằng 0, không có sự cố mất an toàn lao động nào phát sinh trong quá trình lao động- sản xuất”, anh Nguyễn Minh Sơn chia sẻ.

Có thể thấy rằng, việc quan tâm đến điều kiện làm việc, vệ sinh an toàn lao động là một trong những động lực để người lao động yên tâm làm việc, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy nâng cao giá trị sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ khi người lao động có môi trường làm việc an toàn thì mới tạo ra được năng suất lao động cao.

Do vậy, hơn lúc nào hết các công ty, doanh nghiệp cần phải nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn lao động cũng như đề ra các biện pháp bảo đảm an toàn lao động hợp lý. Đây cũng chính là thực hiện việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

P.Ngân

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.05067 sec| 656.727 kb