Đề xuất cho người lao động được nghỉ thêm chiều thứ 7

Ngày 2.10, phiên họp toàn thể lần thứ 15 của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị Chính phủ đưa thêm nội dung về quy định về giờ làm việc bình thường vào báo cáo trình Quốc hội theo hướng giảm giờ làm ở khu vực sản xuất xuống 44 giờ/tuần thay vì 48 giờ/tuần như hiện nay.

Việc giảm giờ làm ở khu vực sản xuất xuống 44 giờ/tuần, theo ông Lợi là "để đảm bảo sự bình đẳng" vì hiện nay khu vực công chỉ làm việc 40 giờ/tuần.

Nghỉ thêm chiều thứ 7 để đảm bảo công bằng

Đồng tình với ông Bùi Sỹ Lợi, ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, hiện "đang có sự bất bình đẳng" giữa hai khu vực hành chính sự nghiệp (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần).

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị khu vực doanh nghiệp giảm xuống 44 giờ/tuần, tức là người lao động được nghỉ chiều thứ 7 và Chủ nhật để tạo điều kiện cho họ chăm sóc gia đình, tái tạo sức khỏe… Đây là xu hướng tiến bộ trên thế giới. Chúng ta là nước chủ nghĩa xã hội, không có lý gì lại không thực hiện tiến bộ ấy", ông Bùi Văn Cường nói.

Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng cần tính toán giảm khoảng cách bất bình đẳng về giờ làm việc bình thường giữa hai khu vực trên. Từ đó, ông Bùi Văn Cường đề nghị thêm nội dung trên vào báo cáo trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Quang cảnh phiên họp thứ 15 của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Thành Trung
Quang cảnh phiên họp thứ 15 của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Thành Trung
"Nghỉ làm là nghỉ ăn"

Cùng góp ý về nội dung trên, ông Trương Anh Tuấn, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, quy định thời gian làm việc 48 giờ/tuần hay giảm xuống còn 40 giờ/tuần nhận được rất nhiều sự quan tâm.

Một số ý kiến cho rằng, nên quy định phổ quát 44 giờ/tuần để cho khoảng cách gần nhau hơn, nhưng nhiều người trực tiếp lao động lại có ý kiến khác hẳn.

“Người ta nói rằng, đối với người lao động chúng tôi thì tay làm hàm nhai, tay quai miễng trễ. Cho nên nghỉ làm là nghỉ ăn, đặc biệt, lương của chúng tôi được tính theo sản phẩm hoặc tính theo giờ lao động. Quy định cho chúng tôi nghỉ làm là chúng tôi nghỉ ăn luôn.

Đặc biệt, khi tiếp cận với công nhân xây dựng, người ta nói đối với chúng tôi, cứ yêu cầu chúng tôi đi làm là phải đi làm để yêu cầu bảo đảm tiến độ. Mặt khác, chúng tôi đi làm thì chúng tôi được hưởng lương, còn người ta bảo nghỉ là chúng tôi nghỉ ăn.

Cho nên, phải giải quyết được mối quan hệ, đừng để quá lạm dụng làm thêm nhưng bớt giờ làm đi trong thời điểm này thì tôi cho rằng chưa phù hợp lắm. Vì vậy, giờ làm thêm 48 giờ/tuần là phù hợp”, ông Trương Anh Tuấn cho hay.

 
THÀNH TRUNG - BÁO LAO ĐỘNG

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.53591 sec| 648.859 kb