Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp: Cần bắt đầu từ đâu?

Với chức năng, nhiệm vụ là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang xây dựng Đề án “Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại doanh nghiệp giai đoạn 2019 - 2023”, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động, nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của thời kỳ hội nhập.Lao động đã qua đào tạo trong doanh nghiệp: Mới chiếm 40%Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Thực tế hiện nay đang có sự bất cập lớn về cơ cấu nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là cơ cấu nguồn nhân lực theo trình độ đào tạo. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong các doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 40% trong tổng số lao động và chủ yếu ở trình độ sơ cấp và trung cấp. Các doanh nghiệp hiện nay đang rất thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật ở trình độ cao. Hơn nữa, việc đào tạo nguồn nhân lực ở các cơ sở giáo dục, đào tạo của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp.Theo khảo sát của Viện Khoa học lao động xã hội, 2/3 số lao động đang thiếu hụt kỹ năng về lao động và kỹ thuật; 55% số doanh nghiệp cho rằng rất khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao. Điều này cho thấy, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp là rất lớn.
nang cao chat luong nguon nhan luc trong doanh nghiep can bat dau tu dau
Công đoàn sẽ phối hợp với người sử dụng lao động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trước thực tế trên, với mục đích nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Đề án “Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại doanh nghiệp giai đoạn 2019-2023”.Theo ông Nguyễn Văn Toản - Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Chính sách Kinh tế - xã hội và thi đua khen thưởng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cần thiết, quan trọng để phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đưa nước ta hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.Công đoàn Việt Nam, với chức năng, nhiệm vụ là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động nên việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công đoàn các cấp; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là điều kiện để cải thiện tiền lương, thu nhập và tạo việc làm bền vững cho người lao động. Đối với người sử dụng lao động, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu theo nhu cầu sử dụng. Đây cũng là điều kiện để cải thiện năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động đang còn nhiều khiếm khuyết khi mà giáo dục, đào tạo của xã hội không tương thích với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của doanh nghiệp.Theo đó, cần có sự tăng cường sự phối hợp giữa Công đoàn và người sử dụng lao động trong việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất nguồn nhân lực tại doanh nghiệp. Phấn đấu tăng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và tác phong làm việc nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt, thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động cá nhân, tăng tiền lương, thu nhập của người lao động, từ đó cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, tạo việc làm bền vững cho người lao động.Cần đào tạo gì cho người lao động?
Thông qua cơ chế phối hợp giữa Công đoàn và người sử dụng lao động trong đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề ra mục tiêu: Nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở Việt Nam đạt trên 70%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề trong các doanh nghiệp đạt 60% vào năm 2023. Các nghề được đào tạo có sự hợp lý về cơ cấu, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và hướng tới đạt chuẩn khu vực và quốc tế.Riêng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn phấn đấu đủ năng lực thực hiện đào tạo nghề cho khoảng 300.000 người trong giai đoạn 2020-2023. Trong đó: Cao đẳng chiếm 5%; trung cấp chiếm 20%; sơ cấp chiếm 35%; dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 40%; phấn đấu 80% người lao động sau khi được đào tạo nghề có việc làm và thu nhập ổn định.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thiên Lý - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho rằng: Cần có sự tìm hiểu sát với thực tiễn của doanh nghiệp, cần hiểu rõ người lao động trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 mong muốn gì, cần gì, đặc biệt là thế hệ lao động trẻ để có hướng đào tạo cho phù hợp.Theo bà Lý, tâm lý, suy nghĩ của lao động trẻ (lứa tuổi 9x) bây giờ đã rất khác so với trước đây. Đối với công nhân lao động trẻ, việc giáo dục về đạo đức, kỹ năng sống quan trọng không kém đào tạo nghề. Vì vậy, lãnh đạo doanh nghiệp cần phối hợp với Công đoàn tập huấn, trang bị cho người lao động kỹ năng sống, trước hết phải làm người tốt thì mới có thể trở thành công nhân tốt, người có trách nhiệm với bản thân mình trước mới có trách nhiệm với doanh nghiệp.Bên cạnh việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần chú ý đến việc không lãng phí nguồn nhân lực. “Một trong những việc mà tôi thấy tổ chức Công đoàn nên quan tâm chăm lo đó chính là xây dựng các nhà trẻ, mẫu giáo cho công nhân lao động gửi con. Tại các cơ sở thuộc Công ty May 10, nhiều lao động nữ phải nghỉ ở nhà để trông con ngay sau khi vào làm việc được một thời gian ngắn. Thật sự rất lãng phí sức lao động trẻ”- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ.Khẳng định nguồn nhân lực là tài sản quý báu nhất, quan trọng nhất, quyết định đến sự thành bại trong cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Hòa - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo - Chính sách pháp luật, Công đoàn Đường sắt Việt Nam cho rằng: Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần tập trung nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề thông qua đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng và đào tạo lại. Bên cạnh đó cần nâng cao thể lực thông qua chăm sóc sức khỏe, an toàn vệ sinh lao động; nâng cao tính trách nhiệm trong công việc cũng như các kỹ năng sống…“ Chúng tôi đề xuất giải pháp Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người lao động, cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động như: Khám chữa bệnh cho người lao động, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ thể dục thể thao sau giờ làm việc, qua đó nâng cao thể lực cho người lao động”, ông Hòa đề xuất.Còn theo bà Đặng Ngọc Điệp - Công đoàn Xây dựng Việt Nam, ngoài nội dung tham gia về công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Công đoàn cần phối hợp với người sử dụng lao động tham gia các Hội đồng tuyển dụng, sát hạch tay nghề, thi nâng bậc, xét và công nhận sáng kiến, thi thợ giỏi. Tham gia xây dựng thang bảng lương, đơn giá tiền lương, trong đó quan tâm mức lương của loại hình lao động là chuyên gia, nghệ nhân để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.Bảo Duy/Báo lao động thủ đô

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.53321 sec| 666.18 kb