Nhiều lao động chưa nắm rõ quyền lợi của mình

Chế độ tai nạn lao đông (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) được quy định tại Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Tuy nhiên, đến nay có không ít người lao động chưa nắm rõ được quyền lợi của mình.

[caption id="attachment_12790" align="aligncenter" width="650"]Nhiều lao động chưa nắm rõ quyền lợi của mình Vẫn có nhiều lao động chưa biết hết quyền lợi khi tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN[/caption]

Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) một số nội dung về chế độ TNLĐ, BNN được sửa đổi, bổ sung cụ thể hơn cho người tham gia. Dù công việc đơn giản hay phức tạp cũng khó lường trước được những rủi ro, tai nạn xảy ra trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, nếu không may xảy ra, người lao động (NLĐ) có thêm "điểm tựa" khi tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN. Đây là chính sách an sinh xã hội nhằm bù đắp một phần tổn thất cho NLĐ mang tính thiết thực và hữu ích.

Cụ thể, về đối tượng áp dụng, Luật bổ sung đối tượng NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Ngoài đối tượng áp dụng theo quy định BHXH bắt buộc, Luật ATVSLĐ còn khuyến khích NLĐ tham gia bảo hiểm tự nguyện về TNLĐ.

Chia sẻ về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ, lãnh đạo Cục An toàn lao động cho hay, cơ bản các quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ không thay đổi, tuy nhiên, có bổ sung và luật hóa một số nội dung. Đó là, bổ sung quy định chi tiết đối với 2 trường hợp bị TNLĐ: Trường hợp bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; bị tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

Theo đó, đối với trường hợp thứ nhất, bổ sung, diễn giải nội dung tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, bao gồm cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, cho con bú…

Trong trường hợp thứ 2, bổ sung, diễn giải nội dung hoặc được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động.

Bên cạnh đó, các quy định về điều kiện hưởng chế độ TNLĐ cũng bổ sung điều khoản quy định trường hợp NLĐ không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN chi trả nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân: Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; do NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Đối với BNN, các quy định về điều kiện hưởng chế độ BNN cũng bổ sung trường hợp NLĐ khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các ngành, nghề, công việc có nguy cơ bị BNN thuộc danh mục do Bộ Y tế và Bộ LĐ-TB&XH ban hành mà phát hiện bị BNN thì việc giám định và giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.

Điều đáng nói, hồ sơ giải quyết chế độ TNLĐ, BNN có sự thay đổi đáng kể, đã loại bỏ thành phần hồ sơ là thành phần Biên bản điều tra TNLĐ trong giải quyết hưởng chế độ TNLĐ và Biên bản đo đạc môi trường có yếu tố độc hại trong giải quyết hưởng chế độ BNN.

Theo lãnh đạo Cục An toàn lao động, thực hiện bảo hiểm TNLĐ, BNN theo Luật Bảo hiểm xã hội và Luật ATVSLĐ là một tiến bộ đáng kể trong việc bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Đặc biệt, phạm vi điều chỉnh của Luật ATVSLĐ 2015 đã mở rộng đối tượng hưởng chế độ TNLĐ, BNN phù hợp với đối tượng đóng bảo hiểm xã hội cho cả đối NLĐ làm việc theo mùa vụ, NLĐ dưới 15 tuổi, kể cả lao động đã nghỉ hưu… Đây là một ưu điểm vượt trội.

Để đảm bảo chủ sử dụng lao động chấp hành nghiêm việc đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN cho NLĐ, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, Luật ATVSLĐ cũng quy định rõ các hình thức xử lý đối với đơn vị vi phạm, cụ thể: Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm TNLĐ, BNN quy định tại Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

 Nếu không thực hiện, theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội; người nào vi phạm pháp luật về ATVSLĐ tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phương Minh

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.03557 sec| 653.695 kb