Ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội: “Đổi mới và hoàn thiện chính sách cứu trợ khẩn cấp trong một hệ thống an sinh xã hội toàn diện”

Dịch bệnh Covid-190 xảy ra đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên qua đó cũng cho thấy sự ưu việt của chính sách an sinh xã hội trong đó có chính sách trợ giúp đột xuất của Chính phủ, đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu mới về cơ chế chính sách hỗ trợ khẩn cấp. PV Tạp chí Nghề nghiệp &Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Toản – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.

[caption id="" align="alignnone" width="924"] Ông Nguyễn Ngọc Toản – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội[/caption]

Hệ thống chính sách hỗ trợ khẩn cấp đã được xây dựng đồng bộ, đầy đủ

PV: Xin ông cho biết, hiện hệ thống chính sách an sinh hỗ trợ thiên tai khẩn cấp được thực hiện thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Toản: Hiện nay, hệ thống chính sách về an sinh xã hội, trong đó có công tác trợ giúp đột xuất của nước ta đã được xây dựng một cách đồng bộ và đang triển khai thực hiện có hiệu quả, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao, coi đó là một chính sách hợp lòng dân, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với một bộ phận dân cư, những người có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nhất hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và suy thoái kinh tế toàn cầu . Chính vì vậy, trợ giúp đột xuất được xem là một phần của hệ thống trợ giúp xã hội ở Việt Nam.

Trợ giúp đột xuất (hỗ trợ đột xuất) được thực hiện trong và ngay sau khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra, tập trung chủ yếu vào các hỗ trợ mang tính cấp thiết, cần thiết để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong thời điểm gặp thiên tai, thảm họa, sự cố nghiêm trọng, trong đó có các hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, nhu cầu thiết yếu; hỗ trợ về chăm sóc y tế; hỗ trợ cứu chữa người bị thương nặng; hỗ trợ chi phí mai táng cho người không may bị chết; hỗ trợ sửa chữa nhà ở, làm nhà ở cho các hộ gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ sập, trôi, cháy; hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất cho các hộ gia đình bị mất phương tiện, tư liệu sản xuất do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác gây ra.Các hỗ trợ trên được giao cho chính quyền địa phương các cấp tổ chức triển khai thực hiện, Bộ LĐ-TB&XH thường xuyên chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá tình hình đời sống nhân dân, tổng hợp số hộ, số khẩu có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm, vận động tổ chức, cá nhân chăm lo tết cho người nghèo, chủ động sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thiếu đói chủ động sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng thiếu đói, trường hợp ngân sách địa phương không đáp ứng đủ thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ gạo từ nguồn Trung ương.

Trên cơ sở hệ thống chính sách pháp luật, hoạt động cứu trợ khẩn cấp thiên tai những năm qua đã được triển khai thực hiện tốt, thể hiện rõ ở các mặt: Các quy định về hỗ trợ đột xuất đối với các đối tượng là hộ có người chết, mất tích; người bị thương; hộ không có nhà ở; người thiếu đói… được thực hiện nghiêm túc. Hỗ trợ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu khác đảm bảo khá kịp thời, đúng đối tượng… Người dân không gặp khó khăn, rào cản nào trong việc tiếp cận cứu trợ khẩn cấp. Các đối tượng cần cứu trợ đột xuất đã nhận được trợ giúp theo quy định của chính sách pháp luật. Tính đến ngày 16/12/2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cứu đói do thiên tai gây ra cho các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề (tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung,Tây Nguyên), với tổng số gạo là 60.532,96 tấn gạo, cứu đói cho 2.395,826 nhân khẩu. Số tiễn hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai trong 04 năm 2016-2019 là 5.905 tỷ đồng.

[caption id="" align="aligncenter" width="660"] Người bán vé số ở TP.HCM nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phân phối[/caption]

Bối cảnh mới đòi hỏi cơ chế, chính sách cứu trợ đổi mới

PV: Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh bất thường ngày càng diễn biến phức tạp, như đại dịch Covid – 19 vừa qua gây ảnh hưởng lớn đến sính kế của người dân và công tác xóa đói giảm nghèo. Theo ông, những thảm họa bất thường này đặt ra yêu cầu gì đối với hệ thống chính sách cứu trợ khẩn cấp quốc gia khi thảm họa xảy ra ?

Ông Nguyễn Ngọc Toản: Hiện nay, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đang ngày càng mạnh mẽ hơn, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng, bên cạnh đồng bằng sông Nile (Ai Cập) và đồng bằng sông Ganges (Bangladesh). Chỉ tính trong 10 năm gần đây (2001-2010), các loại thiên tai như: Bão lũ, lũ quét, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm. Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.Nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh truyền nhiễm mang tính toàn cầu, đặc biệt là các bệnh lây truyền từ động vật sang con người ngày càng gia tăng ở hiện tại và tương lai, trong đó có những đại dịch mang tính chất toàn cầu như đại dịch Covid-19 vừa qua đặt ra nhiệm vụ cho công tác trợ giúp đột xuất cần phải đổi mới về cơ chế, chính sách (mở rộng phạm vi các hiện tượng và các đối tượng bị ảnh hưởng cần trợ giúp khẩn cấp) và cả quy trình hỗ trợ để đáp ứng ngày càng cao công tác này trong thời gian tới…Đảm bảo triển khai đồng bộ và thống nhất các mức cứu trợ đột xuất theo quy định; nghiên cứu và ban hành hệ thống tiêu chuẩn hỗ trợ khẩn cấp quốc gia, tiếp cận các tiêu chuẩn hỗ trợ, cứu trợ của quốc tế; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra; nâng cao năng lực cán bộ trong hệ thống; khuyến khích và hỗ trợ hình thành các quỹ ở cơ sở, cộng đồng; tăng cường công tác chỉ đạo, điều phối của các cấp chính quyền cơ sở; gắn trợ giúp đột xuất với các chương trình phát triển ở địa phương; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, cải thiện kỹ năng phòng – tránh – ứng phó với thiên tai của nhân dân; nghiêm túc thực hiện phương châm bốn tại chỗ; từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, sinh kế hộ gia đình phù hợp và thích ứng điều kiện tự nhiên trong bổi cảnh biến đổi khí hậu…Về tổng thể, đổi mới và hoàn thiện cứu trợ khẩn cấp trong bối cảnh một hệ thống an sinh xã hội toàn diện, phải được lồng ghép hiệu quả với các chương trình hỗ trợ (trợ cấp, an sinh xã hội khác), chương trình phát triển; phù hợp với trình độ phát triển và khả năng ngân sách; hướng đến liên kết khu vực, trước hết trong các hoạt động hỗ trợ nhân đạo…

PV: Xin cảm ơn ông

Nghiên cứu và ban hành hệ thống tiêu chuẩn hỗ trợ khẩn cấp quốc gia, tiếp cận các tiêu chuẩn hỗ trợ, cứu trợ của quốc tế; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra; nâng cao năng lực cán bộ trong hệ thống; khuyến khích và hỗ trợ hình thành các quỹ ở cơ sở, cộng đồng; tăng cường công tác chỉ đạo, điều phối của các cấp chính quyền cơ sở; gắn trợ giúp đột xuất với các chương trình phát triển ở địa phương; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, cải thiện kỹ năng phòng – tránh – ứng phó với thiên tai của nhân dân”Ông Nguyễn Ngọc Toản

Giang Nam

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.07953 sec| 667.656 kb