Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động

Nhằm đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, thời gian qua, hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc ngành LĐ-TB&XH và các Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm của Trung ương Đoàn đã được tập trung đầu tư, nâng cao năng lực trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm từ năm 2006 đến nay đã góp phần nâng cao năng lực của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung cấp thông tin thị trường lao động miễn phí; cung ứng lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập thông tin thị trường lao động và xuất bản các bản tin thị trường lao động; đào tạo kỹ năng cho người lao động; thực hiện các chương trình, dự án việc làm và tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao độngĐẩy mạnh kết nối cung- cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm

Các Trung tâm đã đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, chú trọng tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ, thường xuyên, tạo cơ hội cho người lao động, chủ yếu là thanh niên tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp. Đến nay, cả nước đã có 48 Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức sàn giao dịch việc làm (bình quân một phiên giao dịch thu hút từ 25-30 doanh nghiệp, 400-450 lao động tham gia (80-90% là thanh niên), trong đó có 200-230 lao động được sơ tuyển, phỏng vấn). Ngoài ra, các Trung tâm cũng chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm dành riêng thanh niên, sinh viên mới tốt nghiệp; tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trong các nhà trường phổ thông, các cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, nhằm định hướng cho công tác đào tạo cũng như lựa chọn ngành nghề của người học, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp như: hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, thu thập, cập nhật, phổ biến thông tin thị trường lao động; tổ chức điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp; thu thập, cập nhật cơ sở dữ liệu cung – cầu lao động hàng năm; chỉ đạo hệ thống các Trung tâm dịch vụ việc làm thành lập bộ phận phân tích, dự báo thị trường lao động; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) định kỳ hàng quý công bố Bản tin cập nhật Thị trường lao động … nhằm cung cấp thông tin về tình hình việc làm, nhu cầu của thị trường lao động, giúp người lao động và người học có cơ sở định hướng nghề nghiệp, lựa chọn ngành học và công việc, hạn chế tình trạng thất nghiệp sau đào tạo.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm cho rằng, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện vẫn chưa hoàn thiện, chưa có sự kết nối về thông tin trên phạm vi vùng, cả nước; công tác quản lý và nắm thông tin tin lao động về số lượng, cơ cấu, chất lượng, độ tuổi, giới tính … còn hạn chế, chưa đầy đủ, kịp thời, chính xác, chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động phân tích và dự báo thị trường lao động còn yếu kém, gây ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định các chính sách phát triển thị trường lao động nói chung, chính sách phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm nói riêng.

Hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm còn hạn chế về khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm và thu thập thông tin về cung - cầu lao động; hoạt động của các Trung tâm chưa đồng bộ, chưa có sự gắn kết trở thành một hệ thống kết nối trên phạm vi toàn quốc; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm còn hạn chế; tần suất, phạm vi các hoạt động giao dịch việc làm chủ yếu ở khu vực thành thị, tại các khu vực có đông người lao động ...

Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về việc làm, thị trường lao động phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập: nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi, nhất là trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho các đối tượng yếu thế, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; đẩy mạnh thu thập, cập nhật và phân tích thông tin thị trường lao động và thông tin về tình hình biến động, nhu cầu việc làm tại các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động trong ngắn hạn và dài hạn nhằm cung cấp các thông tin về cơ hội việc làm, chỗ việc làm trống, các khoá đào tạo... giúp người lao động, nhất là thanh niên, sinh viên lựa chọn và quyết định học nghề, tiếp cận việc làm phù hợp.

Đồng thời, nâng cao năng lực hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; phối hợp hoạt động của Trung tâm với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp; nâng tần suất phiên giao dịch việc làm, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, hướng tới tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp tại cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm.

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.08546 sec| 653.953 kb