Ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN

“Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để góp phần giải quyết những thách thức đặt ra trong phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay”.

[caption id="" align="alignnone" width="924"] Quang cảnh Lễ ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN. Ảnh: Hồng Sơn[/caption]

Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng thông tin về sự kiện ra mắt Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN và chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng tại buổi họp báo giới thiệu về “Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay” được tổ chức trực tuyến từ 15-16/9.

-PV: Tại phiên khai mạc Hội nghị cấp cao của các Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay ngày 16/9, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN sẽ chính thức ra mắt. Ý tưởng thành lập Hội đồng xuất phát từ đâu, thưa ông?

+Ông Trương Anh Dũng: Các nước ASEAN nhìn nhận, chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra cơ hội cũng như nhiều thách thức liên quan đến phát triển kinh tế, phát triển việc làm và vấn đề về giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Để thích ứng, ASEAN đã thống nhất đưa ra chương trình phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay. Chương trình có nhiều nội dung, trong đó có nội dung quan trọng là giáo dục nghề nghiệp.

Trước đó, trong chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, Liên hợp quốc đã đặt vấn đề muốn phát triển bền vững dựa trên lấy con người làm trung tâm, trong đó có vấn đề giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Trong đó đặc biệt coi trọng giáo dục nghề nghiệp bởi 5 giá trị cốt lõi đóng góp vào phát triển bền vững. Đó là: tạo cơ hội việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện thu nhập, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các quốc gia và bảo đảm an ninh việc làm bền vững

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp của giáo dục nghề nghiệp để phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang thay đổi thì còn có những hạn chế nhất định như vấn đề liên quan đến hội nhập dịch chuyển tự do lao động có kỹ năng trong ASEAN, điều phối các chương trình hợp tác về phát triển nhân lực. Bên cạnh đó, việc phát triển giáo dục nghề nghiệp trong ASEAN cũng có những thách thức nhất định vì mỗi nước có một cơ quan giúp việc khác nhau để quản lý lĩnh vực này.

Do đó, trong Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang thay đổi đã đặt ra nội dung thành lập Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp trong ASEAN.

PV: Trong bối cảnh thế giới việc làm đang đổi thay, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chính nào để góp phần giải quyết những thách thức đặt ra?

[caption id="" align="alignnone" width="2560"] Ông Trương Anh Dũng – Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông tin về việc thành lập Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN tại buổi họp báo. Ảnh: Giáp Tống[/caption]

+Ông Trương Anh Dũng: Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN sẽ tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ lớn sau:

Thứ nhất, đưa ra các khuyến nghị chính sách dựa trên các bằng chứng nhằm cải thiện hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trong đó tập trung vào vấn đề đảm bảo chất lượng, phát triển các tiêu chuẩn, phát triển các giảng viên và các công nghệ mang tính đột phá trong phát triển giáo dục nghề nghiệp của ASEAN;

Thứ hai, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và các nền công nghiệp nhằm cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp và khả năng thích ứng với yêu cầu thị trường lao động đang thay đổi;

Thứ ba, hỗ trợ các chương trình để thu hẹp khoảng cách cung cầu kỹ năng nghề trong ASEAN dựa trên cải thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, khai thác hệ thống này phục vụ phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Thứ tư, cải thiện cơ hội tiếp cận giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là cải thiện kỹ năng kỹ thuật số để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho nhóm yếu thế như phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi, người sống ở vùng nông thôn, dân tộc thiểu số…

Thứ năm, hỗ trợ cho quan chức cấp cao về giáo dục, lao động trong xác định, thúc đẩy, giám sát thúc đẩy các chương trình liên quan đến phát triển nguồn nhân lực nói chung và phát triển giáo dục nghề nghiệp nói riêng.

Thứ sáu, xác định phản ứng toàn diện của ASEAN trước các vấn đề mới, đặc biệt là những thách thức tác động đến việc làm và tương lai việc làm thông qua các tham vấn với các cơ quan, tổ chức liên quan.

PV: Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN sẽ tập trung vào những ưu tiên nào để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên thưa ông?

+Ông Trương Anh Dũng: Trong nhiệm kỳ này, Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN sẽ tập trung vào 4 ưu tiên.

Thứ nhất là phát triển lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu thị trường thông qua hệ thống thông tin thị trường lao động, dự báo thị trường lao động và những kỹ năng tương lai. Đây là ưu tiên số 1, cũng là khó khăn, thách thức trong ASEAN.

Chúng ta có thể thấy, kỹ năng của người lao động đang có sự thay đổi lớn trong bối cảnh thế giới công việc đổi thay nhanh chóng. Một mặt lực lượng lao động hiện nay đang thiếu hụt kỹ năng, nhưng mặt khác, một bộ phận lao động lại đang dư thừa kỹ năng.

Theo một báo cáo gần đây, tại Việt Nam, khoảng cách về lực lượng lao động có trình độ trên đại học nhưng làm những công việc đòi hỏi trình độ thấp hơn đang có sự giãn cách rất nhanh, nếu như năm 2015, số lượng này chỉ chiếm khoảng 15% thì đến nay đã lên đến 25%. Trong các nước ASEAN cũng đang có sự dịch chuyển này.

Ngoài ra, lực lương lao động cần bổ sung những kỹ năng mới do cách mạng công nghiệp 4.0, những tiến bộ của cách mạng khoa học kỹ thuật trong sản xuất đặt ra. Hội đồng Giáo dục nghề nghiệp ASEAN ra đời phải thực hiện được ưu tiên cũng như giải quyết khó khăn, thách thức trên trên.

Ưu tiên thứ hai là nghiên cứu chuyển đổi phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp thích ứng với sự thay đổi của thế giới công việc. Chẳng hạn với Việt Nam chúng ta, đặt vấn đề một hệ thống giáo dục nghề nghiệp mà chúng ta dựa vào sự phát triển của các nhà trường là chính như hiện nay thì nếu chuyển đổi sang một hệ thống hiệu quả hơn thì sẽ như thế nào? Nhìn từ Singgapo, hiện nay họ phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp dựa trên định hướng của thị trường lao động, của thế giới công việc.

Ưu tiên thứ ba là tái tạo hình ảnh giáo dục nghề nghiệp, đóng góp vào phát triển bền vững như thế nào. Với 5 giá trị cốt lõi của giáo dục nghề nghiệp tôi vừa đề cập đến ở trên, chúng ta phải tập trung tái tạo hình ảnh, vai trò, giá trị của giáo dục nghề nghiệp, thu hút sự tham gia, thúc đẩy lĩnh vực này.

Thứ tư là ưu tiên tăng cường năng lực của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp, tăng cường thu hút doanh nghiệp tham gia. Tại Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN năm 2019 đã thông qua tuyên bố về tiêu chuẩn người đào tạo tại doanh nghiệp. Chúng ta liên kết với doanh nghiệp thì doanh nghiệp tham gia vào đào tạo như thế nào?

Tại Việt Nam, với sự hỗ trợ của chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam của Đức, chúng ta đã thống nhất thông qua bộ tiêu chuẩn và chương trình tổ chức đào tạo cho người dạy trong doanh nghiệp, dự kiến từ giờ đến cuối tháng 9/2020 sẽ ban hành bộ tiêu chuẩn này, cùng với đó là kế hoạch triển khai thực hiện.

Cùng với đó, sẽ tổ chức các chương trình hợp tác cải cách đào tạo nghề, tổ chức các đối thoại chính sách liên quan đến phát triển giáo dục nghề nghiệp; chia sẻ những kinh nghiệm bài học tốt trong quản trị, quản lý giáo dục nghề nghiệp, tài chính cho giáo dục nghề nghiệp.

Hải An (ghi)

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.08077 sec| 661.602 kb