TP Hồ Chí Minh sẽ xây thêm 12 trường dạy nghề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

TP Hồ Chí Minh phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo lao động với tỉ lệ lao động đã qua đào tạo là 83%. Trong đó, tập trung chú trọng đào tạo đội ngũ lao động chất lượng cao. Theo đó, đến 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm 12 trường dạy nghề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

 
Chú thích ảnh
Người lao động đăng kí tìm việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong 3 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã nâng dần tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo, từ 78% vào cuối năm 2017 lên hơn 81% trong năm 2018 và mục tiêu đến năm 2019 là 83%. Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh có khoảng 4 triệu lao động (trong hơn 4,4 triệu người đang làm việc) đã qua đào tạo. Đặc biệt, trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn cao hơn con số thống kê.Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, việc nâng cao chất lượng đào tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn không ít khó khăn, đặc biệt trong công tác đào tạo nghề chất lượng cao. Việc hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học chưa hiệu quả. Tâm lý xã hội vẫn còn coi trọng bằng cấp, muốn con em vào bậc đại học nhiều hơn và chưa đánh giá đúng tầm quan trọng, lợi ích của việc học nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chưa được đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu....Theo ông Lê Minh Tấn, để nâng cao chất lượng đào tạo, từ nay đến năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường. Xây dựng 12 trường có chất lượng cao, đồng thời giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Việc đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh để đảm bảo chất lượng đào tạo và đầu ra. TP Hồ Chí Minh sẽ gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc xác định mục tiêu đào tạo, nhu cầu, yêu cầu về nhân lực; tổ chức cho lao động thực tập, đánh giá kết quả đào tạo để nâng dần sự tương thích giữa đào tạo và sử dụng lao động.Thực tế cho thấy, muốn đào tạo lao động chất lượng cao cho thành phố cần tập trung đào tạo nguồn lao động gắn với nhu cầu xã hội, có trình độ tương thích với xã hội khi ra trường. Hiện nay, xã hội đang phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ 4.0, vì vậy sinh viên khi ra trường cũng cần phải có hiểu biết về công nghệ để ứng dụng vào hiệu quả trong công việc. Thực tế, ở các nước phát triển cũng đã đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng này.
Là đơn vị gắn với lao động, bà Trần Thị Anh Đào, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết, học ngành gì để ra trường dễ xin việc luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh và học sinh. Trong tháng 6, thị trường lao động tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo tăng, tập trung ở 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành kinh tế – dịch vụ, cụ thể là: ngành cơ khí, tu động hóa; điện tử, cơ điện tử; điện, điện lạnh, điện công nghiệp; dệt may, giày da; vận tải, kho bãi, xuất nhập khẩu;… Để đảm bảo phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp từ nay đến cuối năm nên đa số doanh nghiệp đang chú trọng tuyển dụng lao động có tay nghề và đòi hỏi người lao động phải có kinh nghiệm làm việc.
Theo bà Trần Thị Anh Đào, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, cùng với cơ hội, Việt Nam cũng đang phải đón nhận nhiều thách thức về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Trong đó, thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung, nhất là cho sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm sang những lĩnh vực thiếu lao động... Đồng thời, đào tạo nghề cho lao động cần gắn với nhu cầu thị trường và dự báo thị trường việc làm phải được làm tốt hơn. Cần thực hiện là tổ chức tốt hơn việc dự báo thị trường, tổ chức tốt hơn việc hướng nghiệp....
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong năm 2018, TP Hồ Chí Minh đã đào tạo nghề cho 298.738 lao động (đạt 166% kế hoạch năm), đưa tổng số người đang làm việc đã qua đào tạo lên 3.659.453/4.473.118 lao động (tỉ lệ 82%). Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề đạt 482.699 học viên. Trong đó có 11.875 lao động nông thôn và 12.040/17.152 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp được đào tạo nghề.
Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.07011 sec| 658.336 kb