Hội thảo “Kỹ năng nghề cho thanh niên trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế”

 Nhân ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (15/7), chiều ngày 15/7/2019, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội thảo “Kỹ năng nghề cho thanh niên trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế”. Đại diện Hiệp hội, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội và ông Phan Chính Thức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam đã tham dự. Cùng có mặt và phát biểu ý kiến tại Hội thảo có  đại diện Đại sứ quán Úc tại Hà Nội, GIZ, ADB, Worldbank, UNESCO, Văn phòng tổ chức các trường đào tạo KOSEN Nhật Bản; các chuyên gia, thí sinh có kỹ năng nghề cao đã tham dự các Kỳ thi tay nghề quốc gia, ASEAN và thế giới; lãnh đạo một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại diện phóng viên của một số cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn coi phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Về cơ chế, chính sách đã có Bộ Luật Lao động, Luật giáo dục nghề nghiệp, Luật việc làm và nhiều, văn bản hướng dẫn để phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nói chung và cho thanh niên nói riêng. Trong đó tập trung đổi mới và nâng cao chuất lượng giáo dục nghề nghiệp, đồng thời chuẩn hóa bậc kỹ năng nghề của người lao động theo khung kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật Việc làm 2013, làm cơ sở cho việc phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động một cách thiết thực, hiệu quả. Mặt khác, việc ban hành khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia cũng là cơ sở cho việc xây dựng phát triển hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ cho người lao động, giúp người lao động được công nhận bậc trình độ kỹ năng nghề và tăng cơ hội sớm có việc làm, chuyển đổi, nâng bậc, học tập suốt đời và thăng tiến nghề nghiệp. Để hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới, những năm qua Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều hoạt động, như việc ban hành các chính sách, các giải pháp thực hiện việc đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên theo Quyết định 1665 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là việc cứ hai năm một lần phát động mạnh phong trào thi đua rèn luyện tay nghề giỏi khắp cả nước cho các lao động trẻ là thanh niên thông qua việc tổ chức các kỳ thi tay nghề từ cấp cơ sở, Bộ, ngành, địa phương đến cấp quốc gia thu hút hàng ngàn lao động trẻ tham gia ở mỗi kỳ thi. Tại Kỳ thi tay nghề ASEAN, Đoàn Việt Nam luôn được xếp hạng trong 3 quốc gia hàng đầu, trong đó là một trong hai quốc gia cùng Thái Lan đã 3 lần xếp thứ nhất toàn đoàn; đối với Kỳ thi tay nghề thế giới, Việt Nam đã giành được nhiều chứng chỉ tay nghề xuất sắc và 2 lần đoạt huy chương tại các Kỳ thi năm 2015 và 2017.

Hội thảo “Kỹ năng nghề cho thanh niên trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế”

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẽ và thảo luận kinh nghiệm, các bài học, cơ hội và thách thức đối với phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế ở Việt Nam, qua đó qua đó tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên, tôn vinh những lao động trẻ có kỹ năng xuất sắc.

Hội thảo “Kỹ năng nghề cho thanh niên trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế”

Ông Phan Chính Thức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam cho rằng, thanh niên là lực lượng tiên phong trong lao động vì có sức sáng tạo, tiếp cận tốt sự thay đổi của khoa học công nghệ. Trong giai đoạn hiện nay, cạnh tranh toàn cầu chủ yếu dựa trên kỹ năng, trình độ, chất lượng nguồn nhân lực. Chỉ có năng lực của lao động mới đem lại sức cạnh tranh quốc gia. Điều này giải quyết nhiều khâu quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội, hội nhập khu vực và thế giới. Đặc biệt với sự hình thành cộng đồng chung ASEAN thì sự dịch chuyển lao động, công nhận trình độ, kỹ năng lao động lẫn nhau giữa các quốc gia là điều thiết yếu. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 kỷ nguyên số tác động mạnh mẽ đến đào tạo, lao động và việc làm. Nhiều ngành nghề mất đi và xuất hiện nhiều ngành nghề mới. Hệ thống giáo dục đào tạo khuôn cứng không còn phù hợp mà cần mềm dẻo, linh hoạt theo yêu cầu thị trường lao động và sự thay đổi của khoa học công nghệ. Ông Phan Chính Thức cũng nhấn mạnh hai yêu tố chủ chốt tác động đến kỹ năng người lao động, đó chính là cơ chế chính sách phát triển đào tạo nghề và vai trò của doanh nghiệp đối với giáo dục nghề nghiệp. Thay mặt Hiệp hội, ông Phan Chính Thức cũng đề xuất Việt Nam cũng nên có ngày Kỹ năng thanh niên Việt Nam và nếu được cần cụ thể hơn đưa vào Bộ Luật Lao động sửa đổi, về thời gian có thể chọn ngày 15/7 hằng năm.

Đại diện Ngân hàng thế giới (World Bank) tại Việt Nam cho rằng, Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi kỹ năng nghề ngày càng nâng cao và đây là thách thức lớn với Việt Nam. Việt Nam có hơn 52 triệu lao động nhưng có tới 46% là làm công việc gia đình, nông lâm nghiệp với lao động bán kỹ năng ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động. Do đó, việc cấp thiết với Việt Nam là xây dựng hệ thống dữ liệu về thị trường lao động để định hướng nghề nghiệp cho thanh niên và sự tham gia của doanh nghiệp.

Đại diện tổ chức KOSEN cho biết, đào tạo theo mô hình KOSEN đã được Nhật Bản áp dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Đặc điểm của mô hình KOSEN là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và đảm bảo 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Điểm đáng chú ý khác của mô hình KOSEN là việc đào tạo không chỉ có lý thuyết mà hướng đến kỹ năng thực hành, khả năng sáng tạo của người học thông qua các hoạt động thực hành, nghiên cứu; sử dụng giảng viên có trình độ cao và thiết bị đào tạo tốt; đào tạo chất lượng cao với mô hình nhóm nhỏ… Việc áp dụng đào tạo theo mô hình KOSEN hiệu quả sẽ góp phần giải quyết nhu cầu về đội ngũ nhân lực có kỹ năng thực hành và khả năng sáng tạo cho các doanh nghiệp.

Em Trần Nguyễn Bá Phước, người đoạt Huy chương đồng với nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin tại Kỳ thi tay nghề thế giới 2017 chia sẻ: Được tham gia kỳ thi tay nghề thế giới đó là niềm vinh dự, hơn nữa là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp và tiếp cận công nghệ mới. Thực tế tại các trường Việt Nam vẫn thiên nhiều về lý thuyết và mong muốn nhiều thanh niên Việt Nam sẽ được đào tạo song hành lý thuyết gắn với thực hành để có thể tự tin khi lập nghiệp.

Hội thảo “Kỹ năng nghề cho thanh niên trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế”

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng đánh giá cao và tiếp thu các ý kiến đã trao đổi, thảo luận và chia sẻ. Các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế đến dự Hội thảo hôm nay là các đối tác quan trọng, chiến lược trong việc phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới. Đặc biệt, sự chia sẻ của các em sinh viên tham dự kỳ thi tay nghề đem lại nhiều kinh nghiệm quý báu về tu dưỡng, rèn luyện nâng cao kỹ năng nghề nghiệp và phát triển trên con đường lập nghiệp cho những lao động trẻ.

Theo: Tổng cục GDNN

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.07877 sec| 660.445 kb