Dạy học tích hợp nâng cao chất lượng đào tạo

Hàng năm hệ thống Giáo dục nghề nghiệp đã cung cấp một lượng lao động được đào tạo ở các trình độ khác nhau cho thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn hạn chế, xếp thứ 11 trong 12 nước ở Châu Á được tham gia xếp hạng; dạy nghề vẫn chủ yếu  theo hướng “cung ”, đặc biệt là thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao. Để khắc phục tình trạng này,theo tôi chúng ta cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chiến lược đổi mới, nâng cao chất lượng Giáo dục nghề nghiệp,tích cực thực hiện chuyển đổi quá trình đào tạo nghề từ triết lý đào tạo “tiếp cận theo nội dung” sang “tiếp cận theo năng lực thực hiện”. Việc chuyển đổi này có thể ví như một cuộc cách mạng trong đào tạo nghề, nhằm đưa quá trình đào tạo nghề gắn liền với thay đổi mạnh mẽ của công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 và thực tế sản xuất, không ngừng đáp ứng nhu cầu chất lượng  nguồn nhân lực trong thời kỳ CNH và HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Trên thực tế quá trình tổ chức xây dựng và thực hiện chương trình còn nhiều bất cập: nhiều chương trình chưa đáp ứng được tiêu chí tiếp cận theo năng lực thực hiện; việc tổ chức giảng dạy các mô-đun, tín chỉ đào tạo nghề theo năng lực thực hiện (tổ chức dạy học tích hợp) trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều lúng túng...nên chúng ta cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau đây:

Dạy học tích hợp nâng cao chất lượng đào tạoẢnh: Dạy nghề tích hợp rất cần chú trọng đến cơ sở vật chất

  1. Tiếp tục tổ chức xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận theo năng lực thực hiện (NLTH)
Chương trình  đào tạo được xây dựng theo phương pháp DACUM, dựa trên cơ sở phân tích nghề, phân tích hoạt động lao động, xác định yêu cầu của nghề và năng lực thực hiện, định hướng thị trường lao động là điểm trung tâm. Trong quá trình phân tích nghề ngoài các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm còn có đại diện của phía doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động. Các mô-đun,tín chỉ đào tạo có trong chương trình được xây dựng theo một tiêu chuẩn thống nhất về các thành phần, nội dung và hình thức. Mỗi mô-đun,tín chỉ  gồm các bài có lượng thời gian thực hiện khác nhau, nội dung tích hợp giữa lý thuyết, thực hành, tiêu chí kiểm tra đánh giá, các bài kiểm tra đánh giá năng lực thực hiện đảm bảo cho việc hình thành năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và cuối cùng là năng lực thực hiện các hoạt động. Mỗi mô đun,tín chỉ định hướng vào thực hiện một công việc, một hoạt động nghề nghiệp nhất định, theo chuẩn.  Đây là điểm khác biệt cơ  bản nhất giữa chương trình đào tạo theo năng lực thực hiện với các chương  trình đào tạo nghề trước đây thường được xây dựng theo phương pháp nội quan và phương pháp chuyên gia, chủ yếu hình thành và phát triển các năng lực chung. Tích hợp trong các chương trình đào tạo giúp giảm tải, rút gọn tài liệu, tiết kiệm thời gian học tập, tạo thuận lợi cho việc học, đảm bảo để học có chất lượng hơn. Có nhiều kiểu tích hợp, ví dụ: tích hợp liên môn, xuyên môn, tích hợp ngang, tích hợp dọc trong các chương trình. Đặc điểm cơ bản của các chương trình đào tạo nghề  hiện nay  thể hiện ở sự tích hợp các miền mục tiêu kiến thức, kỹ năng, thái độ, tích hợp nội dung các môn học, tích hợp giữa lý thuyết với thực hành. Tích hợp trong đào tạo nghề là sự kết hợp một cách hữu cơ, có hệ thống các kiến thức lý thuyết cần thiết liên quan (cơ sở ngành, lý thuyết chuyên môn) và kỹ năng thực hành nghề tương ứng thành một nội dung kỹ năng nhất định, nhằm đem đến cho người học các năng lực thực hiện công việc, nhiệm vụ cụ thể. Nhờ tính tích hợp này mà các đơn vị kiến thức, các mô đun năng lực trong chương trình đào tạo nghề có có khả năng liên thông ngang dọc để tạo ra các mô đun trình độ, thuận lợi trong xây dựng chương trình, trong tổ chức đào tạo.Như vậy có thể kết luận: Để có thể thực hiện có hiệu quả triết lý đào tạo theo năng lực thực hiện thì việc trước tiên các chương trình đào tạo cần phải được tổ chức xây dựng, điều chỉnh theo đúng hướng tiếp cận theo năng lực thực hiện mà bản chất là dạy nghề gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, giữa học với hành, giữa giáo dục đào tạo gắn liền với sản xuất.
  1. Chú trọng điều kiện cơ sở vật chất cho dạy học tích hợp
Quá trình đào tạo nghề theo chương trình  bao gồm tổ chức dạy học các môn học chung, các môn học cơ bản, cơ sở ngành và các mô-đun NLTH. Dạy và học các mô-đun NLTH theo phương thức tích hợp giữa lý thuyết với thực hành định hướng theo NLTH, trong đó người học là trung tâm của quá trình dạy học.Một số quan niệm cho rằng: dạy học tích hợp là dạy lý thuyết kết hợp với dạy thực hành, lý thuyết chuyên môn cần đến đâu cung cấp đến đó, thực hành được tiến hành ngay; dạy lý thuyết và thực hành trong cùng một không gian cùng thời gian. Như vậy có thể thấy, trong quá trình tổ chức dạy các bài học tích hợp thì phòng học phải đáp ứng điều kiện dạy được cả lý thuyết và thực hành: Hiện tại chưa có chuẩn quy định về loại phòng này. Tuy nhiên, do đặc điểm của việc tổ chức dạy học tích hợp cho nên phòng học phải có chỗ để học lý thuyết đồng thời cũng phải có chỗ  để bố trí máy móc thiết bị thực hành. Vì vậy, diện tích phòng dạy học tích hợp phải đủ lớn để kê bàn ghế học lý thuyết, lắp đặt các thiết bị hỗ trợ giảng dạy lý thuyết, lắp đặt đủ các thiết bị thực hành cho học sinh….đây là một yêu trong những yêu cầu tiên quyết mà các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đáp ứng để triển khai tổ chức giảng dạy tích hợp.

Dạy học tích hợp nâng cao chất lượng đào tạoẢnh: Dạy nghề tích hợp rất cần chú trọng đến cơ sở vật chất

  1. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy nghề đề đảm bảo dạy được cả lý thuyết và thực hành
Như đã nói ở trên dạy học tích hợp là kết hợp dạy cả lý thuyết và thực hành, do vậy giáo viên, giảng viên dạy nghề không những phải đảm bảo dạy được lý thuyết nghề mà còn phải dạy được cả thực hành nghề. Theo thống kê hiện nay số giáo viên, giảng viên trong các cơ sở dạy nghề có đủ điều kiện để dạy được cả lý thuyết và thực hành chỉ chiếm 40%, phần lớn các giáo viên hoặc chỉ dạy được lý thuyết hoặc chỉ dạy được thực hành. Đây là thách thức rất lớn đối với các cơ sở dạy nghề khi chuyển sang tổ chức dạy học tích hợp. Vì vậy, việc đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên thích ứng với loại hình dạy học này đang là vấn đề nóng cần được quan tâm trong toàn hệ thống. Trước mắt, các cơ sở dạy nghề cần tăng cường bồi dưỡng kỹ năng nghề cho đội ngũ giáo viên, giảng viên tại cơ sở của mình đã đủ điều kiện dạy được lý thuyết đề có thể dạy được thực hành, dưới các hình thức như: sử dụng các giáo viên có tay nghề cao kèm cặp các giáo viên có tay nghề thấp hoặc đưa các giáo viên đi thực tập tại các doanh nghiệp....Tổng cục Dạy nghề cần tăng cương xây các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho giáo viên dạy nghề cho từng nghề và từng bước triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để công nhận trình độ kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên dạy nghề.
  1. Tăng cường tập huấn cho giáo viên, giảng viên dạy nghề về phương pháp biên soạn và tổ chức dạy học tích hợp
Để nhanh chóng khắc phục những khó khăn mà giáo viên các cơ sở dạy nghề đang gặp phải trong việc biên soạn giáo án và tổ chức dạy học tích hợp khi giảng dạy theo chương trình khung, cần phải tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên, giảng viên về các nội dung chi tiết cần thể hiện trong giáo án tích hợp. Hướng dẫn giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề  nghiệp trên toàn quốc phương pháp biên soạn giáo án tích hợp và tổ chức dạy học tích hợp. Về hình thức triển khai có thể tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề hoặc lồng ghép trong các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm hàng năm cho GVDN.           Tóm lại: Việc triển khai tổ chức dạy học tích hợp trong các cơ sở giáo dục nghề nhiệp hiện nay là yêu cầu cấp thiết, khi toàn bộ chương trình chuyển mạnh sang tổ chức đào tạo nghề theo năng lực thực hiện. Đây là việc làm không chỉ giúp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao năng lực,mà còn góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng đòi hỏi nguồn nhân lực ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 

   PGS.TS Cao Văn Sâm

Phó chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam

ViệnTrưởng Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực

   

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.03431 sec| 666.141 kb