Giáo dục nghề nghiệp: “Dài cổ” chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT

Đã gần hết quí I năm 2021 nhưng Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành thông tư qui định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhân đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN khiến các cơ sở GDNN và người học phải mỏi mòn chờ đợi.

[caption id="" align="aligncenter" width="1280"] Trung tâm GDTX huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai hiện được sử dụng thành khu vui chơi cho trẻ em[/caption]

Mắc kẹt do thiếu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT

Tại tại điều 5 Chỉ thỉ số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ qui định rõ nhiệm vụ của Bộ giáo dục và Đào tạo như sau:

  1. a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ và có cơ chế đánh giá, giám sát việc thực hiện các hoạt động này tại các địa phương;
  2. b) Ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quý III năm 2020;
  3. c) Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người học giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu liên thông lên giáo dục đại học.”

 Tuy nhiên đến nay đã gần hết quí I năm 2021  nhưng Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành thông tư qui định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhân đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN. Cũng như chưa đưa ra đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người học GDNN có nhu cầu liên thông lên giáo dục đại học. Vì vậy các cơ sở GDNN và người học vẫn phải “dài cổ” mỏi mòn chờ đợi.

Việc dạy văn hóa trong các cơ sở GDNN đang được thực hiện ổn định, thuận lợi cho học sinh học văn hóa và học nghề ngay tại trường nghề thì nay Bộ GD&ĐT qui định việc học văn hóa phải chuyển về các Trung tâm GDTX, trong khi hiện nay hệ thống này nơi đã sát nhập, nơi giải thể và nhiều trung tâm cơ sở vật chất không đảm bảo, năng lực quản lý yếu kém. Mặt khác, học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9 vào học tại các cơ sở GDNN thể lực còn nhỏ, tâm sinh lý chưa trưởng thành lại phải sáng đến Trung tâm GDTX học văn hóa, chiều đến cơ sở GDNN học nghề là rất bất tiện và nhiều nguy cơ không đảm bảo về an toàn giao thông vì tại các địa phương, trung tâm GDTX thường cách xa các trường nghề vài ba km đến cả chục km.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp muốn liên kết, phải ….“xì” tiền

Một nghịch lý đang diễn ra trong liên kết đào tạo chương trình 9 + giữa cơ sở GDNN với các trung tâm giáo dục thường xuyênĐó là trong khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đủ năng lực để dạy văn hóa cho học sinh chương trình 9+ thì Bộ GD&ĐT tạo lại qui định phải liên kết với các trung tâm GDTX. Tại văn bản số 2672/BGDĐT-GDTX ngày 20/6/2019 của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động tại các trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên  qui định: “đảm bảo việc thực hiện chương trình GDTX lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông phải do các trung tâm chủ trì thực hiện trong các khâu chọn, cử và phân công giáo viên giảng dạy, tổ chức thực hiện chương trình, kiểm tra, đánh giá và phê học bạ của học viên; địa điểm tổ chức lớp học có thể đặt tại trung tâm hoặc các cơ sở giáo dục liên kết.”

[caption id="" align="aligncenter" width="956"] Phòng thực hành tại Trung tâm GDTX huyện Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai bỏ hoang đã lâu[/caption]

Trong khi trên thực tế, nhiều TTGDTX năng lực yếu, hoạt động kém hiệu quả. Nhiều trung tâm có biên chế nhưng bỏ hoang không hoạt động hoặc lấy địa điểm cho đơn vị khác thuê. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tản mát đi làm việc khác. Do đó đã xảy ra tình trạng, cơ sở GDNN muốn học sinh của mình được thuận tiện trong việc học,việc  thi cử và lấy học bạ, bằng cấp đành phải ‘xì tiền” cho TTGDTX để  được “liên kết” trên giấy đào tạo văn hóa, nhưng thực chất là bộ máy giáo viên văn hóa của cơ sở GDNN đảm nhận việc dạy.  Nếu không, chờ hướng dẫn mới của Bộ GD-ĐT  không biết đến bao giờ. Nhiều cơ sở khác đành bó tay dài cổ chờ đợi.

Càng ra văn bản càng rối rắm khó hiểu

– Về tạo điều kiện thuận lợi trong thi cử và lấy bằng tốt nghiệp THPT đối với người học tại các cơ sở GDNN cũng vô cùng ngặt nghèo. Theo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thì người đã có Bằng tốt nghiệp TC cũng là một trong những đối tượng được dự thi THPT nhưng lại đòi hỏi phải bảo đảm điều kiện là đã học và thi đạt yêu cầu đủ số lượng các môn văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GD&ĐT.

[caption id="" align="aligncenter" width="956"] Trang thiết bị xuống bụi phủ, xuống cấp vì bị bỏ hoang tại Trung tâm GDTX huyện Cẩm Mỹ tỉnh Đồng Nai[/caption]

Tại “Văn bản số 4656/BGDĐT-GDTrH ngày 02/11/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hoá trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó Sở GD&ĐT các tỉnh đã có hướng dẫn tổ chức dạy học Chương trình GDTX cấp THPT kết hợp với học nghề, cụ thể là yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có dạy hệ 9+ phối hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn để tổ chức dạy văn hoá, thực tế khi triển khai đã xảy ra một số bất cập như sau:

Thứ nhất, chỉ tiêu cho đối tượng phân luồng không nằm trong chỉ tiêu của các trung tâm GDTX-GDNN. Hiện nay tại nhiều tỉnh, Trung tâm GDTX đã giải thể hoặc đóng cửa hoạt động. Một số địa phương cơ sở vật chất của trung tâm GDTX, TTGDNN được trung dụng vào hoạt động khác hoặc bỏ hoang, cán bộ, giáo viên không có.

Thứ hai, biên chế giáo viên các môn văn hoá ở các trung tâm được giao ổn định, không thể tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khoa riêng đào tạo hệ 9+, có đội ngũ đạt chuẩn và trên chuẩn, hàng năm chịu sự thanh kiểm tra của phòng GDTX, Sở GD&ĐT các tỉnh. Vì vậy, nếu chuyển sang trung tâm, đội ngũ này đơn vị nào quản lý? Chế độ lương thưởng thế nào?

Thứ tư, quy định để trung tâm ký học bạ và đóng dấu vào sổ học bạ cũng chỉ là hình thức, vì giáo viên không dạy, không đánh giá mà ký xác nhận ai sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo?

Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT tạo nên có hướng dẫn lại cho phù hợp để các tỉnh thống nhất triển khai, tránh gây khó cho người học, mỗi nơi làm mỗi kiểu dẫn đến thiệt thòi cho người học.

Thời gian tới nên thống nhất lại cách thức quản lý, một là các trung tâm nên nhập vào các trường cao đẳng, trung cấp. Bởi vì, tại đây học sinh được đào tạo nghề bài bản hơn, có đầy đủ trang thiết bị thực hành, có đội ngũ giáo viên cơ hữu, kinh nghiệm trong đào tạo nghề.

Hai là Nếu hiện nay, yêu cầu các cơ sở GDNN phối hợp với trung tâm trong giảng dạy văn hoá, đặc biệt là xác nhận học bạ, vậy thì, các trung tâm đào tạo nghề xin phép trường nào trong việc xác nhận chất lượng đào tạo nghề, trong khi đó trung tâm thiếu giáo viên dạy nghề, trang thiết bị thực hành, vật tư tiêu hao không có?

Việt Hùng

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.08710 sec| 661.195 kb