Kết nối hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của buôn bán người

Sáng 14/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội nghị triển khai và Họp Ban điều phối dự án “Tăng cường hoạt động đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại Việt Nam”. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà và Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam Ryutaro Kobayashi đồng chủ trì hội nghị.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng đẩy mạnh các biện pháp nhằm phòng, chống tệ nạn mua bán người. Các bộ, ngành, địa phương lồng ghép việc phòng ngừa mua bán người vào các chương trình, kế hoạch về phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, giảm nghèo, trong các hoạt động bình đẳng giới, kế hoạch bảo vệ trẻ em... Một số mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã được triển khai tại các tỉnh, thành phố như các nhóm tự lực, mô hình kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm và lây nhiễm HIV/AIDS, Ngôi nhà Nhân ái và các mô hình của Tổ chức Ha-gar, Tổ chức Di cư quốc tế, tổ chức Tầm nhìn thế giới.

Kết nối hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của buôn bán người

“Trong bối cảnh tình hình mua bán người xảy ra ngày càng phức tạp, nhu cầu về dịch vụ tư vấn và cung cấp thông tin về di cư an toàn và phòng, chống mua bán người đang ngày càng tăng. Do vậy, việc thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu, phù hợp để tăng cường mạng lưới hợp tác, phối hợp về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam” Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Bộ LĐ-TB&XH thực hiện dự án “Thành lập đường dây nóng phòng, chống mua bán người ở Việt Nam” từ tháng 7/2012 đến tháng 3/2016. Mục tiêu của dự án là: Tăng cường các chức năng hiện tại của Đường dây Tư vấn và Hỗ trợ trẻ em (nay là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111), và mở rộng thêm chức năng phòng chống mua bán người để đóng góp vào những nỗ lực chung của Chính phủ trong công tác phòng, chống mua bán người cũng như tái hòa nhập cộng đồng cho những  nạn nhân bị mua bán. Từ tháng 10/2013 đến tháng 6/2018, Đường dây nóng đã tiếp nhận gần 13 nghìn cuộc gọi, trong đó có hơn 9 nghìn cuộc cung cấp thông tin, 3.500 cuộc tư vấn liên quan đến chính sách, tâm lý, thủ tục hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán, can thiệp gần 300 ca cho các nạn nhân.

Cũng trên cơ sở hoạt động của Đường dây nóng, một kế hoạch liên ngành giữa các đơn vị của Bộ LĐ-TBXH, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam được ký kết, tạo cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin, kết nối dịch vụ về phòng, chống mua bán người.

Theo bà Ayumi Yuasa, Trưởng phòng Phòng Bình đẳng giới và giảm nghèo (Vụ cơ sở hạ tầng và Xây dựng hòa bình, JICA), nạn nhân buôn bán người nay đã thay đổi. Nạn nhân cưỡng bức lao động và nam giới gia tăng nhưng nạn nhân là phụ nữ và trẻ em vẫn chiếm chủ yếu với hơn 70%. Vì thế, JICA tập trung  hỗ trợ trẻ em, phụ nữ, đồng thời mở rộng hỗ trợ nam giới.

Kết nối hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của buôn bán ngườiNhờ tiếp nhận thông tin từ Tổng đài 111, lực lượng chức năng đã bắt giữ được đối tượng buôn bán người và kết nối hỗ trợ nạn nhân.

Tiếp nối những kết quả đạt được từ giai đoạn 1 của Dự án, Bộ LĐ-TB&XH và JICA tiếp tục hợp tác thực hiện giai đoạn 2 của Dự án với các mục tiêu là: Thành lập hệ thống Đường dây nóng quốc gia để góp phần vào việc tăng cường cơ chế chuyển tuyến các dịch vụ tại Việt Nam, tiến tới hợp tác xuyên biên giới với các quốc gia lan cận trong hoạt động phòng, chống mua bán người. Hiện nay, 2 nhánh trung tâm cấp vùng của Đường dây nóng phòng chống mua bán người được thành lập tại Đà Nẵng và An Giang. Mạng lưới  phòng chống mua bán người trên cả nước đã từng bước được xác lập. Sự kết nối thông tin và chia sẻ, chuyển tuyến dịch vụ được duy trì theo 3 vùng: Miền Bắc - Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Đông Nam Bộ - Đồng bằng sông Cửu Long. Việc tiếp nhận thông tin của Đường dây nóng từ số điện thoại 18001567 sang số điện thoại 111 thống nhất trên cả nước cũng được triển khai và không ngừng được hoàn thiện.

Theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2010 đến hết quý 3 năm 2018, toàn quốc phát hiện 3 nghìn vụ mua bán người với 4.500 đối tượng, lừa bán gần 7 nghìn nạn nhân. Trong đó, đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai – đây là những vấn đề mới phát sinh trong nạn mua bán người. Từ năm 2012 đến năm 2017, các lực lượng chức năng đã giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người là nạn nhân bị mua bán. 

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.02694 sec| 657.977 kb