Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp

Hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng mở, thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp; phấn đấu đến năm 2025, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập chiếm 40%... Đây là một số ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp vừa tổ chức.

Báo cáo về công tác giáo dục nghề nghiệp trong năm 2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Thị Việt Hương cho biết: Dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song các chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá đều đạt được kết quả tiến bộ.

Về kết quả tuyển sinh năm 2020, cả nước tuyển được 2.280 nghìn người, đạt 100,9% kế hoạch năm, trong đó: Tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng 580 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác 1.700 nghìn người (đạt 101,2% kế hoạch năm). Tháng 12/2020, cả nước có 1.907 cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, trong đó 400 trường cao đẳng (308 trường công lập), 463 trường trung cấp (230 trường công lập), 1044 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (689 trung tâm công lập). Tổng số cơ sở Giáo dục nghề nghiệp công lập là 1.227, (538 trường cao đẳng, trung cấp công lập).

[caption id="attachment_17980" align="aligncenter" width="1000"]Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị[/caption]

Giai đoạn 2021 - 2025, xác định phát triển Giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, gắn với giảm nghèo và an sinh xã hội để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (2021 - 2025) và các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Ngành đặt mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của Giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Năm 2021, hệ thống Giáo dục nghề nghiệp dự kiến tuyển sinh 2,5 triệu người, trong đó: cao đẳng 260 nghìn người; trung cấp 340 nghìn người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác 1.900 nghìn người (trong đó, 1.500 nghìn lao động nông thôn, 30 nghìn người khuyết tật).

[caption id="" align="aligncenter" width="1000"] Lãnh đạo Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì hội nghị[/caption]

Tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Giáo dục nghề nghiệp đã đạt được trong năm 2020. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục tham mưu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực cho giáo dục nghề nghiệp phát triển. Xây dựng, trình Ban Bí thư Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về huy động nguồn lực xã hội đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới, trong đó tập trung tham mưu chỉ đạo về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề theo hướng chất lượng cao.

Ngành cần triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 617-NQ/BCSĐ ngày 28/12/2018 của Ban cán sự đảng Bộ về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030.

Về tuyển sinh, ngành Giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; tăng cường đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động; Tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng mở, thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp; phấn đấu đến năm 2025, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập chiếm 40%.

[caption id="" align="aligncenter" width="1000"] Các cá nhân đón nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Lao động- Thương binh và Xã hội[/caption]

Cùng đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; thực hiện đào tạo đặt hàng theo đầu ra; tăng cường kiểm định, hậu kiểm theo hướng trả chi phí theo đầu ra; sớm chấm dứt việc đăng ký, giao chỉ tiêu hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Chú ý kết nối cung cầu lao động, hạn chế tối đa tình trạng đào tạo không gắn với cung cầu của thị trường lao động.

Lãnh đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần chú ý việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Phối hợp với ngành dệt may, giày da thực hiện thí điểm đào tạo và đào tạo lại từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp giao cho các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo. Ngoài ra, Tổng Cục cũng cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu sớm ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo Laodongthudo.vn

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.03798 sec| 662.188 kb