Làm thêm giờ trong bối cảnh hội nhập: Tăng hay giảm là tốt?

Trong khi các chuyên gia lao động khuyến cáo, để nhân viên phải làm thêm giờ (ngay cả khi họ“tự nguyện”) không nên coi là chiến lược lâu dài trong quản lý điều hành của doanh nghiệp, thì đại diện giới chủ sử dụng lao động lại cho rằng, không nên quan niệm tăng giờ làm việc tức là giới chủ bóc lột, mà coi đó là tăng thu nhập cho người lao động.

Đồng thời, cần điều chỉnh thời gian làm thêm trong các quy định hiện hành, vì nếu không sẽ làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam và khiến Việt Nam không thể phát triển các ngành công nghiệp, chế tạo…

Làm thêm giờ trong bối cảnh hội nhập: Tăng hay giảm là tốt?

80% lao động phải làm thêm giờ

Kết quả khảo sát trên 3.300 người của trang mạng việc làm JobStreet.com cho thấy, 71% người lao động Việt Nam không  đủ thời gian dành cho gia đình mỗi ngày vì phải thường xuyên làm việc trễ tại công sở. Cụ thể, gần 80% nhân sự phải dành từ 2 - 5 tiếng ngoài giờ làm việc chính thức để hoàn tất công việc mỗi ngày. Tuy nhiên, chỉ có 43% được trả lương ngoài giờ và phần lớn họ chỉ nhận được khoản hỗ trợ dưới 1 triệu/tháng cho thời gian làm thêm; 32% có thêm từ 3 - 5 triệu/tháng từ việc làm thêm; 8% nhận được mức lương ngoài giờ khá cao từ 5 – 10 triệu/tháng và 7% nhận được khoản tiền lương ngoài giờ “khủng” là trên 10 triệu đồng.

Có đến 56% cho rằng, việc làm thêm giờ sẽ không quá “khó chịu” nếu họ được hưởng những phúc lợi khác như cơ hội thăng tiến, lương thưởng, hoặc nghỉ bù. Nhưng vẫn có đến 44% số người lao động được hỏi cho rằng, họ cảm thấy áp lực và không hài lòng khi phải làm việc ngoài giờ quá nhiều (dù “tự nguyện” làm thêm vì thu nhập). Do đó, vẫn có đến 80% lao động sẵn sàng “nhảy việc” để có được cuộc sống cân bằng hơn giữa thời gian dành cho công việc và gia đình.

Như vậy, so với các nước khác trong khu vực, điển hình là Malaysia, người Việt Nam dường như “nghiện công việc” hơn khi chỉ có 70% lao động Malaysia phải làm việc ngoài giờ, mà phần lớn do khối lượng và thời hạn công việc không hợp lý chứ không phải “tự nguyện” làm thêm như lao động Việt Nam. Theo bà Angie S.W Phang - Tổng giám đốc JobStreet.com Việt Nam: “Cân bằng cuộc sống và công việc là quản lý và sắp xếp hiệu quả thời gian dành cho công việc và những hoạt động quan trọng khác đối với mỗi người. Việc thiếu sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ khiến nhân viên bị áp lực, mệt mỏi, thiếu động lực, và nghỉ việc đồng loạt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và lợi nhuận của mỗi công ty”. Vì thế, đối với doanh nghiệp, thực trạng nhân viên phải làm thêm giờ không nên là chiến lược lâu dài trong quản lý ngay cả khi người lao động “tự nguyện” làm thêm”.

Đứng ở góc độ đại diện cho người lao động, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho biết, 235 cuộc ngưng việc của năm 2015 chủ yếu đều có mục đích đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc, nhiều cuộc phản đối tăng ca của chủ sử dụng lao động. Khảo sát 10 tỉnh của Tổng LĐLĐ VN gần đây cho thấy, người lao động có thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng chiếm 32%, từ 4-5 triệu đồng/tháng chiếm 26%, dưới 3 triệu đồng/tháng chiếm 19 %. Lương mới đáp ứng 60 % mức sống tối thiểu của người lao động.

Điều chỉnh để tăng khả năng cạnh tranh

Trăn trở với vấn đề làm thêm trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập, ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho biết, doanh nghiệp nào không cho phép làm thêm thì mức lương của người lao động chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, còn làm thêm thì  mức thu nhập bình quân của người lao động sẽ tăng lên 7 triệu đồng/tháng.

“Nhật Bản có hơn 300 giờ làm thêm/năm. Trong khi thu nhập bình quân của người Nhật Bản là hơn 40.000 USD/người/năm. Còn với quy định làm thêm giờ hiện nay của Việt Nam, chúng ta chỉ có mức thu nhập 1.000 USD/người/năm. Chúng ta đã nghèo và đang đi làm thuê, muốn xuất khẩu thì phải cạnh tranh. Nhưng nếu cứ quy định làm thêm và trả lương như vậy thì người lao động bỏ việc” - ông Nguyễn Xuân Dương bình luận.

Thậm chí, tại buổi đối thoại về chính sách lao động, tiền lương và BHXH do Phòng Công nghiệp và Thương mại VN (VCCI) và Bộ LĐTBXH tổ chức mới đây tại Hà Nội, ý kiến của cộng đồng giới chủ cho rằng, cần điều chỉnh quy định về thời gian làm thêm. “DN được phép làm thêm đến 200 giờ trong 1 năm trong trường hợp: xử lý sự cố sản xuất, giải quyết công việc cấp bách không thể trì hoãn,….” (tại Khoản 1, Điều 3, dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ thời giờ làm việc, nghỉ ngơi) là chưa hợp lý. Bởi, quy định này đi ngược lại so với quy định tại điểm b, khoản 2, điều 106, Luật Lao động và Điều 4, Nghị định 45/2013/NĐ -CP (chỉ quy định điều kiện làm thêm từ 200 - 300 giờ/năm, không quy định về điều kiện làm thêm 200 giờ/năm).  Bên cạnh đó, giới hạn làm thêm giờ của Việt Nam được đại diện VCCI so sánh với các nước khác như: Nhật Bản quy định 360 giờ làm thêm/năm, Malaysia 104 giờ/tháng, Đài Loan 46 giờ/tháng…

Trong khi Việt Nam lại quy định, việc tổ chức làm thêm giờ từ trên 200- 300 giờ/ năm chỉ được thực hiện trong một số trường hợp nhất định (sản xuất gia công xuất khẩu  sản phẩm là hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước. Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, và chủ sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về lao động. "Việc này sẽ làm giảm tính cạnh tranh của Việt Nam và khiến Việt Nam không thể phát triển các ngành công nghiệp, chế tạo" – đại diện cộng đồng giới chủ sử dụng lao động nhìn nhận. Thậm chí, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại VN, bày tỏ: “Tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng, tăng giờ làm việc tức là giới chủ bóc lột. Người lao động và doanh nghiệp đang cùng đi trên một con thuyền. Doanh nghiệp đều hiểu người lao động là tài sản quý giá, hành động của doanh nghiệp cũng đều vì người lao động”.

Phân tích kỹ hơn về thời gian làm thêm giờ, bà Vi Thị Hồng Minh - Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho rằng, việc quy định “người lao động làm việc trên 10 giờ 1 ngày bao gồm cả thời gian làm thêm giờ thì có ít nhất 30 phút nghỉ thêm nữa và thời gian nghỉ ngơi được tính là thời gian làm việc” (theo khoản 2, Điều 4, Nghị định 45/2013/NĐ-CP) chỉ nên áp dụng cho đối tượng là lao động trực tiếp chứ không cần áp dụng với tất cả người lao động. Đối với các đối tượng đặc thù như lái xe, nghiên cứu, chuyên viên phân tích nên có quy định riêng, bởi số lượng doanh nghiệp yêu cầu các đối tượng này làm thêm 2 giờ/ngày không nhiều và tổng số giờ làm thêm/năm đã phải tuân thủ quy định của pháp luật rồi. “Việc tăng thời gian làm thêm giờ ở mức hợp lý để thực hiện lộ trình bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (có tính đến tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp) cũng như cải thiện tiền lương của người lao động để tăng sức cạnh tranh với lao động nước ngoài sẽ vào Việt Nam theo tiến trình hội nhập khu vực thời gian tới là điều các cơ quan hoạch định chính sách lao động – tiền lương Việt Nam cần cân nhắc để có những điều chỉnh kịp thời”, đại diện giới chủ sử dụng lao động khuyến nghị.

Tiếp thu các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân cho biết: Bộ LĐTBXH ghi nhận những đề xuất kéo dài thời gian làm thêm. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tham mưu với Chính phủ có tờ trình để Quốc hội quyết định việc này.  Bởi đây là vấn đề khó giữa câu chuyện tăng năng suất, đời sống việc làm người lao động và giá cả thực tế.

ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, doanh nghiệp nào không cho phép làm thêm thì mức lương của người lao động chỉ 3-4 triệu đồng/tháng, còn làm thêm thì mức thu nhập bình quân của người lao động sẽ tăng lên 7 triệu đồng/tháng.

Kim Thoa

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.05128 sec| 665.914 kb