Luật giáo dục nghề nghiệp, đừng để mất thêm 5 năm nữa

Đã gần 5 năm qua, hai bộ (Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH) nhùng nhằng mãi không ra được quy định khối lượng kiến thức tối thiểu ở bậc THPT cho học sinh học nghề.

Luật giáo dục nghề nghiệp, đừng để mất thêm 5 năm nữa - Ảnh 1.

Học sinh hệ 9+ Trường trung cấp Việt Giao đang thực hành bếp - Ảnh: NHƯ HÙNG

Quốc hội đang họp bàn về dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, với kỳ vọng của các nhà làm luật để tạo ra hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà mạnh mẽ hơn tiến đến năm 2026 và 2030.

Nhưng nên chăng cần sửa những bất cập từ Luật giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo tính đồng bộ và khả thi?

5 năm không ra quy định học văn hóa

Qua dự thảo và các ý kiến trao đổi liên quan đến phần giáo dục nghề nghiệp của Luật giáo dục mới có nội dung phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề để liên thông lên cao đẳng. Để có thể học lên cao đẳng, học sinh phải học bù một số môn văn hóa bậc THPT do Bộ GD-ĐT quy định.

Nhưng đã gần 5 năm qua, hai bộ (Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH) nhùng nhằng mãi không ra được quy định khối lượng kiến thức tối thiểu ở bậc THPT. Trong khi đó, chương trình các môn văn hóa chia theo 3 ban A, B, C trước đây do Bộ GD-ĐT ban hành cho các trường trung cấp chuyên nghiệp đã cho thấy sự lỗi thời, cần được xây dựng lại.

Chắc mọi người không thể quên Luật giáo dục nghề nghiệp hiện hành được thông qua chỉ với 55,3% tại Quốc hội khóa trước. Đó là luật đạt kỷ lục thấp nhất để được thông qua vì có quá nhiều điều mang nặng duy ý chí, thiếu nghiên cứu thấu đáo, xa thực tiễn của Việt Nam và thế giới nên khó khả thi.

Ví dụ, Luật giáo dục nghề nghiệp quy định mục tiêu đào tạo trình độ trung cấp thì chỉ có một mục tiêu duy nhất nhưng có đến 3 khung thời gian đào tạo sau lớp 9 là trung cấp 1-2-3 năm và đều cho ra một loại văn bằng gọi là trung cấp (diploma).

Sự phi thực tế này khiến không thể xây dựng được chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn nghề nghiệp và không thể công nhận văn bằng loại này với các quốc gia khác vì không có quốc gia nào có loại đào tạo trung cấp chỉ 1-2 năm, bỏ qua các môn học văn hóa.

Thêm nữa, nếu học sinh học trung cấp xong muốn học lên cao đẳng phải học bổ sung các môn văn hóa... điều này vi phạm nguyên tắc sư phạm tối quan trọng là kỹ năng nghề nghiệp phải được phát triển trên nền tảng kiến thức và kiến thức phải hỗ trợ phát triển kỹ năng.

Mô hình trung học kỹ thuật và trung học nghề

Trong nhiều giải pháp phân luồng mà kinh nghiệm thế giới đã trải qua thì hầu hết quốc gia đều có hệ thống các trường trung học kỹ thuật và trung học nghề dạy tích hợp giữa các môn văn hóa và kỹ năng nghề nghiệp và đạt được tỉ lệ phân luồng từ 50-75% như EU mà không dùng giải pháp cơi nới dạy bù văn hóa THPT sau khi học xong trung cấp từ 1-2 năm như hiện nay theo quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp.

Nhớ lại cách đây 5 năm, Quốc hội cũng bàn về Luật giáo dục nghề nghiệp, tại cuộc họp giữa Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT, tôi đã từng giới thiệu mô hình trung học kỹ thuật, trung học nghề của Hàn Quốc kết hợp dạy văn hóa và kỹ năng nghề. Mô hình này đã cung cấp cho Hàn Quốc nhân lực kỹ thuật chủ chốt suốt hơn 3 thập kỷ 1960, 1970, 1980 cho công nghiệp hóa Hàn Quốc.

Có thể nói mô hình rất hay, phù hợp với Việt Nam hôm nay và ít nhất 10 năm nữa. Các chuyên gia Hàn Quốc hay Đài Loan đều khuyến cáo mô hình trung học kỹ thuật và trung học nghề cho VN. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có mô hình này cung cấp nhân lực và phân luồng rất tốt.

Dịp này chúng ta lại mang chuyện này ra bàn ở Quốc hội. Năm năm là một nhiệm kỳ, thời gian trôi nhanh lắm, nếu ngày hôm nay không nghiên cứu cẩn thận chỉn chu và ra quyết định vội vã sẽ ảnh hưởng không nhỏ, lâu dài đến hệ thống.

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.16432 sec| 728.828 kb