Quốc hội thảo luận việc phê chuẩn gia nhập Công ước 105 của ILO trong ngày khai mạc 20/5

Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, trong phiên buổi chiều, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Báo cáo thuyết minh việc gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

[caption id="attachment_14339" align="aligncenter" width="751"]Quốc hội thảo luận việc phê chuẩn gia nhập Công ước 105 của ILO trong ngày khai mạc 20/5 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo thuyết minh gia nhập Công ước 105 của ILO trong ngày khai mạc Quốc hội 20/5[/caption]

Sáng 20/5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc theo đúng thông lệ, và kéo dài trong thời gian 19 ngày.

Trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA

Theo lịch trình, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (trong đó có nội dung về tình hình phòng, chống dịch Covid-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh tế - xã hội).

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.

Tiếp đến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV do Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày.

Sau đó, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định EVFTA. Và Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định này.

Sau đó, Quốc hội tiếp tục nghe Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – EU và các nước thành viên EU (EVIPA).

Tiếp theo, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp định EVIPA.

Kết thúc phiên làm việc buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo thuyết minh gia nhập Công ước 105

Chiều cùng ngày, Quốc hội tập trung thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA, và Hiệp định EVIPA.

Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng sẽ giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình của Chủ tịch nước về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày Báo cáo thuyết minh việc gia nhập Công ước số 105 của ILO.

Quốc hội tiếp tục nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước này.

Sau khi Quốc hội dành thời gian thảo luận trực tuyến về việc phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của ILO, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội, kết thúc ngày làm việc đầu tiên của Quốc hội.

Dự kiến, Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 28/5, và được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

"Giấy thông hành" giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế một cách sâu rộng, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra đầu tháng 5 này.Đây là một trong 8 công ước cơ bản của ILO, được thông qua ngày 25/6/1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29, năm 2007).Hướng đến đối tượng là người lao động, nên khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước này, sẽ góp phần ổn định lực lượng lao động, tăng cường quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động…Chính vì thế, việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105 của ILO sẽ vừa góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh quốc gia lành mạnh, công bằng."Việc không sử dụng lao động cưỡng bức trong quá trình sản xuất ra các loại hàng hóa, dịch vụ được coi là một thành phần của "giấy thông hành", giúp hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu, nhất là thị trường EU và Hoa Kỳ", Tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cho biết.Đặc biệt, gia nhập và thi hành Công ước số 105 sẽ không làm tăng chi phí xã hội, chi phí triển khai thực hiện. "Và không làm thay đổi nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam do chúng ta đã gia nhập Công ước số 29 và các tiêu chuẩn của Công ước số 105 đã được đưa vào các cam kết trong EVFTA, và CPTPP", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Thanh Nhung

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.06542 sec| 658.398 kb