Sâu kiến thức, giỏi kỹ năng – Sự khác biệt của những người khởi nghiệp bằng học nghề

Cùng chung mẫu số đam mê, ưa khám phá, muốn tạo lập cho mình một công việc, nghề nghiệp nào đó trong tương lai, xong con đường lập nghiệp của những người bắt đầu trên giảng đường giáo dục nghề nghiệp và những người bắt đầu trên giảng đường đại học lại có những nghịch lý thú vị.

Người “mọt sách”, người “mọt máy”

Đại học ngày nay không còn là cánh cửa quá khó đối với những cô cậu học trò có sức học trung bình, thậm chí dưới trung bình. (trừ một số trường đại học top đầu có yêu cầu đầu vào cao như Bách khoa, Y Hà Nội, hoặc các trường trong đại học quốc gia).

[caption id="" align="aligncenter" width="640"] Thí sinh Trương Thế Diệu giành HCB đầu tiên cho VN tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019[/caption]

Chẳng thế mùa tuyển sinh năm nay có thí sinh đăng ký tới 28 nguyện vọng vào đại học. Số thí sinh đăng ký 20 nguyện vọng đại học khá nhiều, còn lại đa số đăng ký 7 – 10 nguyện vọng đại học. Nghĩa là quyết vào đại học, không được trường này thì vào trường kia, không được ngành này thì vào ngành kia.

Trong khi những tân sinh viên đại học bắt đầu bằng việc dán mắt vào bẳng đen, phấn trắng, gò mình với chữ nghĩa trên giảng đường suốt 4 -5 năm học, thì những học viên, sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp lại bắt đầu việc học bằng việc tẩn mẩn với máy móc thiết bị, hoặc công việc mà mình yêu thích. Việc học với sinh viên nhiều trường đại học chiếm tới 99% lý thuyết, thì ngược lại với sinh viên khối GDNN chỉ có 30% lý thuyết, 70% thực hành.

Với cách đào tạo truyền thống hiện nay, sinh viên đại học lên lớp cắm cúi nghe giáo viên giảng và ghi chép, thì với học viên, sinh viên khối GDNN do thực hành là chính nên sự tương tác giữa thầy và trò, giữa trò với trò diễn ra trong suốt quá trình học. Đây được coi là một lợi thế giúp học viên, sinh viên khối GDNN nắm vững không chỉ kiến thức mà cả kỹ năng thực hành, sớm làm quen với công việc.

Việc thực tập tại các cơ quan, doanh nghiệp của đa số sinh viên đại học thường là “pha trà, rót nước” hoặc làm quen công việc một cách hình thức thì với học viên, sinh viên khối GDNN, thực tập đó là tập việc có tiền bồi dưỡng, thậm chí là làm việc được trả lương tại doanh nghiệp.

Câu chuyện của Nguyễn Văn Hưng 22 tuổi, sinh viên Khoa Điện, Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội là một trong nhiều thí dụ của những ngã rẽ. Thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin,  trường ĐHQG Hà Nội, học được gần 1 kỳ, Nguyễn Văn Hưng nhận thấy mình không phù hợp với môi trường học gò bó này. Hưng tìm hiểu thông tin học nghề và quyết định thi vào trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội với nghề cơ điện tử.

Hưng cho biết, khi vào trường nghề, em tìm thấy được sự hứng khởi, đam mê khi không phải triền miên học lý thuyết mà được trực tiếp làm việc với máy móc, thiết bị, được sáng tạo các sản phẩm mình thích”. Cơ điện tử là một nghề khó, đòi hỏi kiến thức tổng hợp của cơ khí, điện tử và điện công nghiệp. Để học tốt môn học, Hưng phải mày mò tìm tài liệu học hỏi thêm để thành thạo cả 3 lĩnh vực này.

Thiết bị, máy móc ở trường hoàn toàn được nhập khẩu từ Đức, để học được bắt buộc sinh viên phải biết ngoại ngữ. Để giỏi ngoại ngữ, Hưng đăng ký học thêm ở trung tâm tiếng Anh, cuối tuần lóc cóc đạp xe lên Bờ Hồ bắt chuyện với Tây nói chuyện để rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ.

Nói về sự so sánh giữa đại học và học nghề, Hưng cho biết, tại trường nghề, sinh viên được học tập kiến thức từ cơ bản đến kỹ năng thực tế, được tiếp xúc với máy móc thiết bị tiên tiến, cùng với đó là tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế,  tham gia các cuộc thi sáng tạo hay kỳ thi tay nghề các cấp. Đối với Hưng đó là một không gian thực hành  thú vị cho những người thích khám phá, ưa sáng tạo.

Tại kỳ thi Tay nghề Thế giới lần thứ 45 diễn ra tại Kazan Nga, Nguyễn Văn Hưng đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề suất sắc thế giới nghề Cơ điện tử. Nguyễn Văn Hưng cũng vinh dự được Trung ương Đoàn thanh niên CSHCM bình chọn là một trong 63 gương Thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2020, đem tự hào về cho Trường cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, nơi em đang theo học.

Người thất nghiệp, người có việc làm ngay

Suy cho cùng, đại học hay học nghề bản chất cũng chỉ là tạo dựng cho mình một nghề nghiệp. Song học gì để không bị thất nghiệp lại là câu hỏi nhiều bạn trẻ quan tâm nhưng ít được sự lựa chọn tỉnh táo. Tâm lý của đa số phụ huynh, dù biết học đại học ra con mình sẽ thất nghiệp, khó kiếm việc làm. Nhưng bước qua sự băn khoăn đó, nhiều gia đình vẫn mang tâm lý muốn con vào đại học, còn sau này kiếm việc làm tính sau. Hệ quả là mỗi năm cả nước vẫn có hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Hàng ngàn cử nhân đại học phải giấu bằng đại học để xin vào làm công nhân tại các khu công nghiệp.

[caption id="" align="aligncenter" width="600"] Sinh viên trường nghề ra trường là có việc làm ngay.[/caption]

Ông Thái Huy Vinh, nguyên giám đốc Sở GD – ĐT Nghệ An cho biết, mỗi năm Nghệ An có ít nhất hơn 2.000 sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường nhưng không có việc làm. Rất nhiều em phải “giấu” bằng ĐH để đi xin làm công nhân, lao động phổ thông mà các đơn vị tuyển dụng chỉ yêu cầu tốt nghiệp THPT hoặc THCS… Nhiều em phải tham gia các khóa đào tạo nghề ngắn hạn để có thể xin được việc làm thay vì ngồi chờ việc với tấm bằng ĐH.

Nguyễn Mỹ Duyên, tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh, trường đại học Thành Đô hiện đang làm công nhân tại một khu công nghiệp của Hải Dương cho biết, lần đầu tiên em thi tuyển vào một công ty may tại KCN Nam Sách nhưng bị loại chỉ vì khai đã tốt nghiệp đại học.

Tại KCN Thăng Long, số cử nhân đại học, cao đẳng làm công nhân khá nhiều, chị Trần Thị C. (cử nhân Quản trị kinh doanh, đại học Kinh tế Quốc dân) đang làm tại công ty Canon kể: Hôm phỏng vấn xin việc, nhân viên tuyển dụng nói công ty đang tuyển gấp nhân viên văn phòng, ưu tiên người có bằng đại học, cao đẳng, tin học tốt. Ai đủ tiêu chuẩn bước sang một bên để phỏng vấn riêng. Tưởng thật, gần một nửa số người thi tuyển bước sang. ít ai ngờ rằng đó là một cách để người ta loại người có bằng cấp dù trong lý lịch có “khai man” không bằng cấp.

Trong khi tỉ lệ học viên, sinh viên khối trường nghề ra trường có việc làm ngay theo báo cáo của Tổng cục GDNN thường đạt trên 80%, cá biệt một số nghề tỉ lệ có việc làm đạt 100%. Nhiều ngành nghề, sinh viên đang trên nghế nhà trường đã có doanh nghiệp đến ký hợp đồng tuyển dụng.

Theo Tổng cục GDNN, tính đến năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp, 1032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2014 cả nước đã có 45 trường được lựa chọn để tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ thành trường chất lượng cao vào năm 2020. Từ năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH đã  ban hành Qui hoạch nghề trọng điểm gồm 62 ngành nghề cấp độ quốc tế và 93 ngành nghề cấp độ khu vực ASEAN, 134 nghề cấp độ quốc gia làm cơ sở để các trường trong khối GDNN, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyển sinh đào tạo.

Năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH cúng đã ban hành Qui định tiêu chí xác định chương trình đào tạo chất lượng cao trình độ trung cấp, cao đẳng làm cơ sở để các trường, cơ sở GDNN tổ chức đào tạo các chương trình chất lượng cao, góp phần tang nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục GDNN hiện nay hầu hết các trường trong khối GDNN đều có hoạt động gắn kết với doanh nghiệp, đơn vị trong đào tạo và giải quyết việc làm cho sinh viên. Nhiều trường nghề còn cam kết mạnh mẽ sẽ trả lại học phí nếu không tìm được việc làm cho sinh viên.

Hoàng Quân

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.09229 sec| 666.563 kb