Hàng nghìn trẻ em tử vong do tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh của toàn xã hội. Điều đáng tiếc là có không ít vụ tai nạn giao thông nạn nhân chính là trẻ em do chính sự bất cẩn của người lớn.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, trẻ nhỏ là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tình huống giao thông nguy hiểm, thường xảy ra khi các em đang trên đường tới trường hay trở về nhà sau mỗi ngày học tập. An toàn giao thông cho trẻ em chính là mong muốn xây dựng một thế giới nơi mà mọi trẻ em đều được đến trường và học tập, đều an toàn khỏi mọi nguy cơ và rủi ro và đều có thể phát huy được hết tiềm năng của mình.

Bà Trần Phương Anh, Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: “An toàn giao thông cho trẻ em trong trường học” là chương trình hợp tác 5 năm 2017-2021 của Bộ LĐ-TB&XH với UNICEF, dự án về An Toàn Giao Thông Trẻ Em. Dự án được thực hiện ở hai tỉnh, Gia Lai và thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào cải thiện kỹ năng an toàn giao thông của trẻ em, cha mẹ, thầy cô giáo và cộng đồng cũng như cải thiện môi trường trường học an toàn hơn với trẻ em nhằm tạo một môi trường an toàn cho trẻ.

Hàng nghìn trẻ em tử vong do tai nạn giao thôngCác học sinh Trường Tiểu học số 2 Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah, Gia Lai) trong buổi truyền thông về an toàn giao thông.

Dự án cũng tập trung vào việc vận động chính sách liên ngành, với sự tham gia của các Bộ nhằm kêu gọi việc ban hành chính sách Giảm Tốc Độ ở khu vực có đông trẻ em như gần trường học và khu dân cư xuống dưới 30km/h và đội mũ bảo hiểm bắt buộc cho mọi trẻ em khi tham gia giao thông trên phương tiện xe đạp, xe máy.

Theo bà Trần Phương Anh, một trong những cách thức để bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông là đội mũ bảo hiểm và thực hiện cách hành vi an toàn giao thông. Người lớn cần lắng nghe ý kiến của các em về việc cần được bảo vệ khỏi những nguy hiểm khi đi ra đường, khi đi tới trường. Các em sẽ là những nhân tố thay đổi của thế hệ mới trong việc tuyên truyền về an toàn giao thông và kêu gọi cam kết của các lãnh đạo trong việc cải thiện môi trường giao thông ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, người trưởng thành nên là tấm gương để trẻ em noi theo. “Trẻ em, trong gia đình, cũng như ở nhà trường, mỗi ngày đều nhìn vào người lớn để làm theo, để học tập, để tiếp thu và thực hiện các hành vi mà các em thấy. Do đó, trẻ em và học trò của chúng ta không thể được an toàn, được bảo vệ nếu như chúng ta không là những hình mẫu về việc thực hiện các hành vi an toàn”, ông Đặng Hoa Nam chia sẻ.

Chính vì vậy, mỗi người tham gia giao thông đều có thể bắt đầu cải thiện tình hình bằng việc tuân thủ tuyệt đối các qui tắc giao thông và giảm tốc độ ở khu vực có trẻ em (bên ngoài trường học và khu dân cư) xuống dưới 30km/h.

Theo các chuyên gia của UNICEF, một phần quan trọng của giải pháp an toàn giao thông cho trẻ em chính là những quyết định của các nhà hoạch định chính sách, như: việc tổ chức giao thông ở khu vực ngoài trường học; bố trí khu vực an toàn riêng cho trẻ chờ cha mẹ tới đón; lắp đặt biển báo ở khu vực có trẻ em, ngoài trường học và biển báo giảm tốc độ sẽ góp phần cải thiện tình hình ở địa phương. Bên cạnh đó, việc đặt trẻ em vào trung tâm của các giải pháp an toàn giao thông ở địa phương chắc chắn sẽ góp phần bảo vệ trẻ em và cải thiện thực trạng giao thông tại địa phương.

Trên thế giới, cứ 4 phút lại có một sinh mạng trẻ em mất đi do tai nạn giao thông. Mỗi ngày, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của 500 trẻ nhỏ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, mỗi năm hơn 1.900 trẻ tử vong do tai nạn giao thông. Theo thống kê của UNICEF và tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), tai nạn giao thông là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 ở trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi từ 0-19, chỉ sau đuối nước. Tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nhóm 15-19 tuổi. Theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 10 tháng đầu năm 2018, đã có 962 trẻ em bị thương vong do tai nạn giao thông. Điều này để lại niềm đau thương và gánh nặng lớn cho cả gia đình và xã hội.

Điều đáng nói, rất nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc gây ảnh hưởng đến trẻ có thể tránh được nếu người lớn nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Vì thế, để tránh nhưng vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra, người lớn nên dạy trẻ và làm gương cho trẻ chấp hành đầy đủ các quy định khi tham gia giao thông.

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.04634 sec| 659.641 kb