Thanh Hóa: Xúc tiến việc làm để kết nối cung – cầu lao động

Trong nhiều năm qua sàn giao dịch việc làm Thanh Hóa đã trở thành cầu nối việc làm hiệu quả, giúp người lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp cận với người sử dụng lao động. Đây không chỉ là cơ hội để người lao động tìm kiếm việc làm mà còn là nơi kết nối để các học sinh, sinh viên có nhu cầu học nghề, tiếp cận với các cơ sở đào tạo nghề, góp phần giải quyết việc làm hiệu quả. 

Thanh Hóa: Xúc tiến việc làm để kết nối cung – cầu lao động - Ảnh 1Người lao động tìm hiểu cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm ở huyện Như Xuân

 Năm 2018, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tổ chức thành công 45 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 37 phiên giao dịch việc làm định kỳ và 8 phiên giao dịch việc làm lưu động (tăng 19.4% so với cùng kỳ năm 2017) với 704 lượt đơn vị tham gia (tăng 12.4% so với cùng kỳ năm 2017); có 453 lượt doanh nghiệp tuyển dụng lao động làm việc trong nước, 226 lượt doanh nghiệp xuất khẩu lao động, 112 lượt cơ sở tuyển sinh dạy nghề; số người lao động tham gia trung bình 944 người/phiên. Các phiên giao dịch việc làm cũng đã kết nối dịch vụ thành công cho 6.732 người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động (tăng 6.5% so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, lao động đi làm việc trong nước là 4.674 người, lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài là 1.290 người, lao động đăng ký học nghề là 768 người…Đến với ngày hội việc làm tại huyện Như Xuân, anh Lương Văn Huân ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh chia sẻ: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, hiện tại tôi chưa có công việc ổn định. Sau khi thấy có thông báo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa tổ chức ngày hội việc làm lưu động tại huyện Như Xuân, mặc dù ở xa nhưng tôi cũng cố gắng tới tham dự để tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình. Tôi cũng có ý định tham gia đi XKLĐ nhưng chưa rõ về các thị trường, thủ tục đi làm sao, thời gian học tiếng bao lâu, mức thu nhập như thế nào… đến đây tôi cũng rất mong được đại diện các công ty, doanh nghiệp tư vấn các thị trường tiềm năng, thu nhập cao lại phù hợp với khả năng của mình”.Cũng mong muốn tìm cho mình một công việc phù hợp khi đi XKLĐ, đặc biệt quan tâm tới thị trường Nhật Bản, chị Nguyễn Thị Vui, thôn Xuân Lai, xã Hải Vân, huyện Như Thanh cho biết: “Với mong muốn được sang Nhật đi XKLĐ, tôi đến ngày hội việc làm, thông qua hoạt động tư vấn chuyên sâu của các doanh nghiệp để có thể tìm hiểu rõ hơn nơi mà mình mong muốn đến làm việc, được tham khảo các công ty tuyển chọn lao động và có hướng để mình lựa chọn doanh nghiệp tuyển dụng lao động cũng như các điều kiện để tham dự. Qua tư vấn, tôi có cơ hội biết thêm nhiều công việc mà mình có thể thực hiện được, cũng như thị trường mình muốn đến, qua đó để chuẩn bị tâm lý, cũng như các điều kiện phù hợp để tham gia”- chị Vui chia sẻ.Ông Lê Đăng Thanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, cho biết: “Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, thị trường lao động tại Thanh Hóa đã sôi động trở lại, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và nhu cầu tìm việc người lao động cũng tăng cao. Tại ngày hội việc làm, người lao động có cơ hội ứng tuyển nhiều ngành nghề: may mặc, cơ khí, điện tử, bảo vệ, xuất khẩu lao động, du học… Đây cũng là dịp để các đơn vị tuyển dụng lao động nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng người lao động, xác định rõ các thông tin về cung cầu lao động trên địa bàn các huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Người lao động có cơ hội được tham vấn tuyển dụng trực tiếp để có cơ hội việc làm”.Ông Thanh cũng thông tin thêm: “Theo kế hoạch, năm 2019 Trung tâm sẽ tổ chức khoảng 45 phiên giao dịch việc làm kết nối người lao động với doanh nghiệp, trong đó có 37 phiên giao dịch việc làm cố định, 8 phiên giao dịch việc làm lưu động và online. Bình quân tại mỗi phiên giao dịch việc làm lưu động sẽ có khoảng 20-25 đơn vị tham gia tuyển dụng trực tiếp, với 700 đến 1.000 người lao động tham gia tìm hiểu thông tin về việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động. Người lao động tìm kiếm công việc tại sàn giao dịch việc làm sẽ được cung cấp, trang bị các kỹ năng tìm việc, kỹ năng phỏng vấn xin việc do Trung tâm phối hợp với các chương trình dự án về lao động, việc làm thực hiện. Người lao động được trao đổi, tìm hiểu cụ thể về công việc, các yêu cầu của từng vị trí tuyển dụng, mức lương, điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến phát triển nghề nghiệp... Bên cạnh việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm, Trung tâm cũng đa dạng hóa các hình thức thu thập thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp, thông qua công tác khảo sát trực tiếp tại các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm bắt nhu cầu tuyển dụng để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động…Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa dự kiến tổ chức các sàn giao dịch việc làm định kỳ tại đơn vị 3 hoặc 4 lần/tháng, vào thứ hai hoặc thứ ba hàng tuần, nhằm kết nối người lao động chưa có việc làm đến Trung tâm tìm việc làm trực tiếp. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương, qua đó giúp người lao động kết nối, tìm kiếm được công việc phù hợp với khả năng, trình độ và nguyện vọng, giúp người tìm việc tại địa phương không phải mất thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, đặc biệt là người lao động ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa…” – ông Thanh thông tin.Thị trường lao động khởi sắc, cho thấy nhiều tín hiệu khả quan về nền kinh tế trong năm 2019, nhiều doanh nghiệp đang mở rộng kế hoạch sản xuất kinh doanh, nên nhu cầu tuyển dụng tăng cao. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh Thanh Hóa hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 68.000 lao động, đặc biệt là đưa 10.000 lao động đi lao động ở nước ngoài trong năm 2019.

MỘC MIÊN - BÁO DÂN SINH

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.05686 sec| 652.922 kb