Trên 95% sinh viên học nghề ở TP Hồ Chí Minh ra trường có việc làm

Chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo hệ chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp nghề ở một số lĩnh vực được các doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động thành phố.
Tren 95% sinh vien hoc nghe o TP Ho Chi Minh ra truong co viec lam hinh anh 1Sinh viên học nghề tại trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tỷ lệ sinh viên ra trường từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có việc làm đạt trên 95%. Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị sơ kết công tác giáo dục nghề nghiệp 6 tháng đầu năm 2019, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố tổ chức, ngày 5/8.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, kết quả trên có được là do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động liên kết đào tạo tốt với doanh nghiệp; tổ chức quy trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội; có đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm trong đào tạo; cơ sở vật chất mới, đáp ứng với yêu cầu của doanh nghiệp và học sinh, sinh viên, nhất là khi ứng dụng công nghệ cao vào lao động.

Bên cạnh đó, các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố như: công nghệ, dịch vụ cao, các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố và 8 ngành nghề dịch chuyển lao động tự do trong khối ASEAN. Chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo hệ chính quy trình độ cao đẳng, trung cấp nghề ở một số lĩnh vực được các doanh nghiệp đánh giá cao, góp phần giải quyết việc làm hiệu quả cho thị trường lao động của thành phố.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, hiện nhiều trường đã hướng đến liên kết đào tạo với doanh nghiệp các nước trong khối ASEAN hoặc trong khu vực châu Á để tạo thêm nhiều cơ hội thực hành và việc làm sau khi sinh viên khi tốt nghiệp.

Trường Cao đẳng Viễn Đông thành phố đã phối hợp với doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp ngành nghề điều dưỡng, xét nghiệm y học, chăm sóc sắc đẹp. Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức phối hợp cùng đơn vị xuất khẩu lao động xúc tiến đưa 36 học sinh, sinh viên thực hành đào tạo nghề 1 năm tại Công ty Isuzu ở Nhật Bản…

Thời gian tới, để đạt kết quả chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cao hơn, ông Đăng Minh Sự, Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tổ chức biên soạn giáo trình, chương trình môn học theo định hướng thân thiện với môi trường, nhất là các ngành nghề công nghệ ôtô, cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện tử công nghiệp, logistics, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, điện công nghiệp, cơ khí chế tạo.

Các cơ sở cũng cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập làm cơ sở nhận chuyển giao chương trình đào tạo từ nước ngoài; tiến hành bồi dưỡng giáo viên nguồn, tổ chức biên soạn giáo trình đào tạo thí điểm theo chương trình đào tạo nhận chuyển giao từ nước ngoài; xây dựng hệ thống thông tin, dự báo nhu cầu nhân lực; khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo…

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 8/2019, số lao động đang làm việc tại thành phố đã qua đào tạo hơn 3,8 triệu người/4,6 triệu người trong độ tuổi lao động (đạt tỉ lệ 82,6%), tăng 3,68% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 7 năm 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thành phố đã đào tạo tốt nghiệp, trao chứng chỉ nghề cho hơn 108.000 người ở trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp hoặc đào tạo nghề dưới 3 tháng./.

Nguồn: VietNam Plus

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.09988 sec| 658.086 kb