Vận động các nguồn lực để hỗ trợ trẻ em ở các xã đặc biệt khó khăn

Ngày 9/12, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp triển khai Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2025. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đến dự và phát biểu kết luận Hội thảo.

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) Vũ Thị Kim Hoa cho biết, Thủ tướng đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 về việc phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2025. Mục đích của Đề án nhằm vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ em thông qua khám chữa bệnh cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; hướng dẫn triển khai thực hiện gói hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho trẻ em; hỗ trợ về các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu nhi khoa cho tuyến huyện và xã (đào tạo, tập huấn, chuyên gia kỹ thuật, tư vấn từ xa, tặng trang thiết bị, tài liệu, …); xây dựng kế hoạch cải thiện tình hình sức khỏe nhi khoa. Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học thông qua bữa ăn dinh dưỡng và các sản phẩm dinh dưỡng. Hỗ trợ trẻ em được tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí. Hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em.

[caption id="" align="aligncenter" width="650"] Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị đẩy mạnh truyền thông nội dung của Đề án.[/caption]

Theo đó, có 4 gói hỗ trợ trẻ em bao gồm: Gói hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em; Gói hỗ trợ cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em; Gói cải thiện tình trạng sức khỏe thông qua khám, chữa bệnh cho trẻ em; Gói hỗ trợ vui chơi, giải trí cho trẻ em. Bà Vũ Thị Kim Hoa thông tin, trong 2 năm qua, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các tổ chức đã triển khai công tác truyền thông, huy động nguồn lực hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn. Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành văn bản gửi bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh về tổ chức thực hiện Đề án.

Đến nay, đã có 4 bộ, ngành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Hội Nông dân Việt Nam và 19 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 588/QĐ-TTg. Bà Hoa cho biết thêm, cùng với tham mưu xây dựng chính sách, phối hợp bộ ngành xây dựng kế hoạch vận động tài trợ; Cục Trẻ em đẩy mạnh truyền thông, chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động tài trợ thực hiện Đề án và tăng cường giám sát thực hiện Đề án.

Đồng thời, phối hợp với TƯ MTTQ Việt Nam, một số bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hỗ trợ gói đồ ấm cho trẻ em từ nguồn vận động Vì người nghèo cho hơn 16 nghìn trẻ em tại 28 tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ 8 tỷ đồng. Theo đó, năm 2019, hỗ trợ 13 tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai với hơn 10.000 trẻ em đã được nhận quà tặng với tổng kinh phí 5 tỷ đồng tương đương 10.000 suất quà (mỗi suất quà trị giá khoảng 500.000 đồng, gồm 1 chăn ấm, 1 áo ấm và bít tất).

Năm 2020, hỗ trợ 15 tỉnh: Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hòa Đình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An với 6.050 trẻ em đã được nhận quà tặng với tổng kinh phí là 3 tỷ đồng tương đương 6.050 suất quà (mỗi suất quà trị giá khoảng 500.000 đồng, gồm 1 chăn ấm, 1 áo ấm và bít tất). Năm 2019, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam vận động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ cho 37.687 trẻ em (khám chữa bệnh, phẫu thuật tim, mắt, nụ cười, tặng quà, học bổng...) với kinh phí hơn 29 tỷ đồng.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị đẩy mạnh truyền thông nội dung của Đề án. Cùng với đó, cần có sự phối hợp để huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng cùng chung tay đóng góp, ủng hộ cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số một cách đồng bộ. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, trong Đề án, Thủ tướng đã phân công rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì và đơn vị chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Đồng thời, cơ quan chủ trì phải hướng dẫn các địa phương triển khai Đề án. "Cùng với đó, cần có sự huy động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để cùng hỗ trợ cho trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số. Đặc biệt, cần chú trọng khâu kiểm tra giám sát, đánh giá quá trình triển khai Đề án để có sự điều tiết hỗ trợ phù hợp nhu cầu của trẻ em", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Theo baodansinh.vn

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.02504 sec| 658.102 kb