Bí quyết triển khai thành công một dự án dạy nghề trong dịch Covid-19

Bí quyết triển khai thành công một dự án dạy nghề trong dịch Covid-19
Những kinh nghiệm vượt qua Covid-19 mà những người triển khai dự án dạy nghề yêu cầu phải cầm tay chỉ việc này chia sẻ rất đáng quan tâm.

Chia nhỏ lớp để học trong dịch Covid-19

"Đào tạo nghề nhằm hỗ trợ sinh kế bền vững cho thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2 diễn ra trong đại dịch nhưng đây là dự án duy trên toàn cầu mà Quỹ Citi tài trợ đã thực hiện đúng thời gian cam kết. Những kinh nghiệm vượt qua Covid-19 mà những người triển khai dự án dạy nghề yêu cầu phải cầm tay chỉ việc này chia sẻ rất đáng quan tâm.

Giai đoạn 2 của “Đào tạo nghề nhằm hỗ trợ sinh kế bền vững cho thanh niên khởi nghiệp” diễn ra trong năm 2021 và vùng triển khai dự án là Hà Nội. Bởi vậy, dự án đã chịu tác động mạnh của dịch Covid-19.

Bí quyết triển khai thành công một dự án dạy nghề trong dịch Covid-19

Ở giai đoạn từ năm 2020 – 2021 của dự án, dù bị tác động bởi dịch Covid-19, các khoá học bị gián đoạn, bị kéo dài hơn dự kiến nhưng vẫn hoàn thành tốt chương trình đặt ra do các lớp học được bố trí linh hoạt, học viên có lúc học tập trung, chia theo nhóm, hoặc học tại các cơ sở sản xuất. Các học viên đã chấp hành tốt nội quy của lớp học và chỉ đạo của ban quản lý lớp học trong quá trình học tập. 

Ông Phạm Ngọc Chính – Giảng viên chương trình ILO về Khởi sự kinh doanh, một giảng viên của dự án này, cho biết: “Lớp học phải đảm bảo công tác phòng chống dịch. Các học viên phải ngồi giãn cách và hạn chế tiếp xúc. Có những lớp phải ngồi giãn cách, chia nhỏ 5-10 học viên/nhóm học nghề, giảng viên tốn nhiều thời gian hơn để dạy lý thuyết và kèm cặp học viên thực hành. Tuy nhiên, các học viên và giảng viên luôn cố gắng, nỗ lực để đảm bảo cho các em nắm được bài học và thực hành đầy đủ các nội dung của chương trình. Bằng sự chủ động, linh hoạt sáng tạo, sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm rất cao của Ban Quản lý dự án M&D, các khóa học diễn ra đảm bảo tiến độ và chất lượng bất chấp khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19”.

Một giảng viên của dự án, ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Mây tre đan Phú Nghĩa huyện Chương Mỹ, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Dạy nghề tư thục Phú Vinh, cho biết: “Kết quả cuối khóa học, thời gian bị kéo dài do những ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng về nội dung và chương trình được đảm bảo đúng chất lượng. Các khóa học đào tạo lấy học viên làm trung tâm, đảm bảo sao cho học viên nắm được những kiến thức cơ bản về khởi sự khởi nghiệp, lập kế hoạch, quản trị kinh doanh, từ đó có thêm hiểu biết, tự định hướng cho tương lai của bản thân và có những quyết định gắn bó lâu dài với nghề, các khóa học được thiết kế nội dung kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, thảo luận các tình huống cụ thể, đáp ứng và phù hợp với năng lực học tập của học viên. Việc cấp chứng chỉ nghề cho học viên đảm bảo đúng quy định, phản ánh chính xác mức độ tiếp thu của mỗi học viên”.

Tìm đầu ra linh hoạt cho nghề

Bên cạnh việc bảo đảm học viên phải nắm được kiến thức cơ bản, phải tuân thủ 5K khi học để phòng dịch thì việc các giảng viên đã nhanh nhạy tìm ra hướng đi mới cho nghề của mình cũng đóng góp phần quan trọng vào sự thành công của dự án này. Bà Nguyễn Thúy Đào, đại diện các làng nghề Thêu truyền thống huyện Thường Tín, Giám đốc Công ty TNHH Tranh thêu Phương Thảo cho biết, dịch covid lần 4 quay trở lại đã gây ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ các mặt hàng thêu truyền thống là thêu tranh. Để để tiếp tục hỗ trợ người dân giữ nghề và các học viên, bà Đào đã tự tìm hiểu, học hỏi cách thêu thời trang trên vải, áo, từ đó truyền đạt và hướng dẫn lại cho các chị em tham gia khóa học nghề của dự án. Tranh thêu truyền thống thì phụ thuộc vào khách du lịch, còn thêu thời trang thì luôn đông khách. Các sản phẩm áo dài thêu hoa, kết hợp đính cườm, đính đá... của các học viên dự án ra đời đáp ứng được nhu cầu của thị trường, giúp đem lại nguồn thu cho chị em, giải quyết công ăn việc làm và tạo thu nhập cho gia đình,

Bí quyết triển khai thành công một dự án dạy nghề trong dịch Covid-19

Kết quả là dù triển khai dự án trong đại dịch Covid-19 nhưng “100% học viên được học trong giai đoạn này của dự án đã đạt loại khá trở lên và được cấp chứng nhận tham gia lớp đào tạo nghề, hơn 80% học viên đạt tăng thu nhập sau khi tham gia lớp học, thu nhâp bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng với nghề thêu và mây tre đan”, bà Nguyễn Bích Vượng, Giám đốc M&D, cho biết.

Nhận xét về dự án, đại diện của Quỹ Citi, nói: “Dịch Covid-19 đã làm những dự án dạy nghề phải cầm tay chỉ việc như “Đào tạo nghề nhằm hỗ trợ sinh kế bền vững cho thanh niên khởi nghiệp” gặp khó khăn, nhưng M&D đã linh hoạt triển khai và Dự án vẫn hoạt động tốt. Dự án đã nhận được sự ủng hộ cao của địa phương vì giúp những thanh niên này có việc làm, doanh nghiệp địa phương có sản phẩm để xuất khẩu, đời sống của người dân được nâng cao. Quỹ Citi tự hào vì mình đã đóng góp một phần cho dự án này”.

Dự án này do Quỹ Citi tài trợ, Trung tâm Tài chính vi mô & Phát triển (M&D) thực hiện nhằm cung cấp một số khóa đào tạo nghề và cơ hội nghề nghiệp sau đào tạo cho nam, nữ thanh niên (độ tuổi từ 18 đến 32) tại một số huyện ngoại thành Hà Nội. Sau 6 năm triển khai, từ năm 2015 - 2021, dự án đã hỗ trợ cho 2233 thanh niên được tham gia 66 lớp đào tạo nghề và tập huấn trang bị kiến thức về quản lý tài chính, khởi sự kinh doanh, trong đó tập trung vào các nghề chính gắn liền với các làng nghề truyền thống như nghề thêu tay truyền thống tại huyện Thương Tín, nghề may tre giang đan tại huyện Chương Mỹ, Ứng Hoà, Phú Xuyên, nghề cha khảm trai sơn mài tại huyện Phú Xuyên, nghề may xuất khẩu tại huyện Thường Tín, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đức…

Theo thống kê của M&D, trên 85% học viên đã có công việc ngay sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Các học viên lớp đã được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhận vào làm việc hoặc được nhận hàng về làm gia công vừa đảm bảo có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.

Tại hội thảo tổng kết dự án vào ngày 24/12 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thúy Đào, Giám đốc Công ty TNHH Tranh thêu Phương Thảo, cho biết: “Sau khóa học tại xã Thắng Lợi và Văn Tự của huyện Thường tín, Công ty của bà và Công Ty TNHH Tranh thêu Hùng Anh tiếp tục tuyển dụng 70% lao động vào làm việc hoặc bao tiêu sản phẩm nhằm tạo cơ hội cho học viên được tiếp cận việc làm ngay sau khi kết thúc hoạt động đào tạo nghề, với mức thu nhập dao động từ 3,5 triệu đến 5,5 triệu đồng/người/tháng”.

 

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.10542 sec| 667.008 kb