Đã học ở cao đẳng nhưng liên thông lên đại học phải học lại vì… khác tên môn học

Đã học ở cao đẳng nhưng liên thông lên đại học phải học lại vì… khác tên môn học
Nhiều nội dung học viên đã được học ở trình độ cao đẳng nhưng liên thông lên đại học phải học lại vì khác tên gọi của môn học.

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có thiên hướng đào tạo kỹ năng nghề, còn giáo dục đại học (GDĐH) là đào tạo tư duy sáng tạo. Nhân lực đều cần hai năng lực này để có thể lao động hiệu quả nhất nên không thể quá nghiêng về bên nào. Tuy nhiên, việc đào tạo liên thông đang gặp một số trở ngại khi hệ GDNN và GDĐH đang được 2 ngành khác nhau quản lý.

Theo ông Lương Hoàng Phong, Viện Phát triển nguồn lực - Trường Đại học Trà Vinh, tính ưu việt của chương trình liên thông là người học được miễn trừ những môn có trong chương trình đào tạo ĐH mà họ đã học ở bậc TC, CĐ. Tuy nhiên, hiện việc xét duyệt để các em được miễn trừ các môn đã học gặp nhiều khó khăn.

"Trong cùng một đợt tuyển sinh nhưng có rất nhiều người học tốt nghiệp TC, CĐ ở cơ sở đào tạo khác nhau có sự khác nhau về chương trình đào tạo. Có khi cùng trình độ học, cùng ngành học nhưng tên môn học ở các trường lại khác nhau, số tín chỉ cũng khác nhau", Ths Lương Hoàng Phong nói.

Do đó, ông đề nghị các trường phải có sự so sánh chương trình đào tạo giữa trình độ TC, CĐ với chương trình ĐH cùng ngành để thấy được sự giống và khác nhau về tên gọi, số tín chỉ của các môn học…

Theo TS Trần Công Chánh, Hiệu trưởng CĐ KTKT Bạc Liêu, điều này cho thấy GDNN và GDĐH chưa có sự kết hợp với nhau, đường ai nấy làm. Những lỗi kỹ thuật như khác tên môn học, khác số tín chỉ… sẽ không có nếu hai bậc đào tạo này có sự gắn kết mạnh hơn.

TS Trần Công Chánh nói: "GDĐH và GDNN cùng một mục tiêu là đào tạo kỹ năng và tư duy sáng tạo cho người lao động, sản phẩm là lao động chất lượng cao. 2 bậc học này không phải là đối thủ của nhau, mà nên là đối tác của nhau".

Ông cho rằng, 2 bậc đào tạo này phải có sự kế thừa, giao thoa với nhau, nếu không sẽ rất lãng phí.

TS Trần Công Chánh cho biết, trong thời gian tới, ông sẽ vận động các hiệp hội nghề nghiệp tổ chức những hội nghị bàn thảo để đi đến thống nhất, giải quyết những lỗi kỹ thuật không đáng có này.

Theo Thạc sĩ Lương Hoàng Phong việc triển khai đào tạo liên thông từ trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) lên đại học (ĐH) trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả hết sức thiết thực cho người học và . Đầu tiên là người học có cơ hội nâng cao bằng cấp, trình độ nghề nghiệp và thăng tiến trong công việc. Đồng thời, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu phát triển của địa phương, khu vực và cả nước.

Các doanh nghiệp khi tuyển lao động đều ưu tiên nhận sinh viên học liên thông từ TC, CĐ lên ĐH hơn là sinh viên tốt nghiệp THPT rồi lên thẳng ĐH. Nguyên nhân là sinh viên học liên thông giỏi kỹ năng nghề, thường đã làm việc thực tế trước khi học liên thông lên ĐH nên họ tự tin, tiếp cận công việc nhanh, được doanh nghiệp đánh giá cao.

Lý do của việc này, theo Thạc sĩ Châu Minh Hiền, Trưởng phòng Đào tạo CĐ KTKT Bạc Liêu, là mục tiêu đào tạo hệ CĐ theo chương trình của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội là hướng về kỹ năng nghề nên tỷ lệ thực hành chiếm đến 75-80% thời lượng đào tạo nên sinh viên ra trường đều đảm bảo yêu cầu về năng lực thực tiễn. Sau quá trình làm việc, những em học liên thông đều là những em có khát vọng nâng cao trình độ, học đại học để rèn luyện tư duy sáng tạo, nâng tầm kỹ năng nghề để lao động hiệu quả hơn.

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.07730 sec| 655.164 kb