Đề xuất Quốc hội giám sát việc xử lý tội phạm xâm hại trẻ em

Sáng nay 16/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về nội dung giám sát của Quốc hội năm 2020. Theo đề xuất của Tổng thư ký Quốc hội, hai chuyên đề giám sát cho năm tới là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em; và việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA).

Đề xuất Quốc hội giám sát việc xử lý tội phạm xâm hại trẻ em - Ảnh 1
Sáng 16/4, tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.
Theo báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, 2020 là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Theo quy định của luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm đó.Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, đối với nội dung về giám sát chuyên đề, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội chỉ giám sát 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2020) và UB Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 9 của cơ quan này.Ông Hạnh Phúc cũng thông tin, kết quả xin ý kiến 77 cơ quan về nội dung giám sát chuyên đề ghi nhận có 183 nội dung được kiến nghị, đề xuất. Rà soát, sàng lọc, Tổng Thư ký lựa chọn 7 nhóm nội dung để xin ý kiến trong Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và tổng hợp, báo cáo Ủy banThường vụ Quốc hội. Từ kết quả lựa chọn của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 3 chuyên đề được chốt lại để đưa ra thảo luận tại phiên họp sáng nay.Cụ thể, chuyên đề 1 là về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Chuyên đề 2 về việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên (FTA). Chuyên đề 3 là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải.Phát biểu tại phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị lựa chọn 2 chuyên đề thứ nhất và thứ 2. Trong đó, đề nghị Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề thứ nhất, nhưng khoanh hẹp phạm vi trong lĩnh vực tư pháp.Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nói: “Tình trạng bạo lực học đường, xâm phạm tình dục trẻ em đang nổi lên, khiến xã hội rất bức xúc. Trong điều kiện các ngành các cấp đang gấp rút chuẩn bị Đại hội Đảng, khối lượng các công việc khác rất lớn, phạm vi giám sát nên giới hạn lại trong hoạt động tư pháp”. Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị giao cho UB Tư pháp chủ trì vấn đề này, có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng.Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng dẫn lại vụ việc mới nhất vừa xảy ra làm rúng động dư luận, vụ cô gái 18 tuổi mang thai mà bị bắt nhốt, tra tấn, đánh đập như thời trung cổ trong nhiều ngày đến mức sinh non, thai nhi không cứu được để nhấn mạnh tính chất nghiêm trọng của tội phạm xâm hại trẻ em.
Đồng ý với đề xuất nêu trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng thực trạng xâm hại trẻ em, bạo lực học đường thời gian qua gây bức xúc xã hội, cần thực hiện giám sát. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng, nên lựa chọn chủ đề cụ thể là việc xử lý các loại tội phạm xâm hại trẻ em liên quan đến hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, hai chuyên đề nêu trên sẽ được trình ra Quốc hội để Quốc hội quyết định giám sát một trong hai chuyên đề. Chuyên đề còn lại sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

Báo Dân sinh

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.02225 sec| 653.367 kb