Dịch Covid-19: Bắc Ninh đề xuất hỗ trợ 389,55 tỷ đồng chia sẻ khó khăn với người lao động

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng 62.000 lao động phải tạm ngừng việc. Ngày 28/5, tỉnh đã có Văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hỗ trợ nhân dân, công nhân và người lao động, các đối tượng yếu thế và doanh nghiệp gặp khó khăn.

62.000 lao động phải tạm ngừng việc

Theo ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho doanh nghiệp, người lao động và các đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, người lao động phải ngừng việc, không có thu nhập ổn định; nhiều địa bàn dân cư đã phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội theo các mức độ khác nhau để phòng, chống dịch Covid-19.

[caption id="attachment_18502" align="aligncenter" width="1375"]Dịch Covid-19: Bắc Ninh đề xuất hỗ trợ 389,55 tỷ đồng chia sẻ khó khăn với người lao động Ngày 27/5, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Lễ phát động tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân tại khu công nghiệp. Ảnh: Bacninh.gov.vn[/caption]

“Tính đến ngày 28/5/2021, trên địa bàn tỉnh có khoảng 62.000 người lao động phải tạm ngừng việc. Tới đây, để đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất, tỉnh Bắc Ninh sẽ thực hiện thí điểm: doanh nghiệp bố trí người lao động ăn, ở, làm việc tại doanh nghiệp tối thiểu từ 15 ngày. Như vậy sẽ có 50% số lao động phải tạm ngừng việc để hoán đổi theo như phương án nêu trên (khoảng 150.000 người)”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn thông tin.

Đề xuất hỗ trợ 2 triệu đồng/ lao động phải cách ly tập trung

Theo quy định của Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ, trường hợp người phải cách ly y tế tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phải chi trả tiền ăn theo mức 80.000đ/người/ngày. Tuy nhiên, theo ông Vương Quốc Tuấn, người bị nhiễm SARS-CoV-2 (F0) phải điều trị và người có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 phải thực hiện cách ly y tế tập trung (F1) trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang gặp rất nhiều khó khăn.

Để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa khôi phục phát triển sản xuất vừa phòng, chống dịch, UBND tỉnh Bắc Ninh đề xuất Bộ LĐ-TB&XH có hướng dẫn mô hình vừa sản xuất vừa ở tại doanh nghiệp theo nội dung quản lý nhà nước của ngành LĐ-TB&XH. Đồng thời có chế độ hỗ trợ chia sẻ khó khăn, đồng hành với doanh nghiệp, người lao động; các đối tượng yếu thế và người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Cụ thể, đối với người lao động, tỉnh Bắc Ninh đề xuất hỗ trợ một lần với số tiền 2.000.000 đồng/người đối với trường hợp người lao động bị nhiễm SARS-CoV-2 (F0) phải điều trị; người lao động có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 phải thực hiện cách ly y tế tập trung (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hỗ trợ một lần với số tiền 1.000.000 đồng/người đối với trường hợp người lao động (không thuộc đối tượng F0, F1) làm việc theo hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân đang thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn tỉnh phải thực hiện cách ly xã hội.

Hỗ trợ một lần với mức 500.000 đồng/người đối với người lao động đang phải thuê nhà trọ, lao động nữ đang mang thai, lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 06 tuổi.

Tỉnh Bắc Ninh cũng đề xuất hỗ trợ 1.500.000 đồng/người đối với người lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động nghỉ việc do giãn mật độ lao động 50% để đảm bảo phòng, chống dịch.

Đối với doanh nghiệp, tỉnh Bắc Ninh đề xuất Bộ LĐ-TB&XH có chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; cho vay ưu đãi để trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động do yêu cầu của chính quyền để phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài các nhóm đối tượng là người lao động, doanh nghiệp, tỉnh Bắc Ninh cũng đề xuất hỗ trợ một lần với mức hỗ trợ 2.000.000 đồng/ người đối với người dân (bao gồm cả trẻ em) bị nhiễm SARS-CoV-2 (F0) phải điều trị; người có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 phải thực hiện cách ly y tế tập trung (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hỗ trợ một lần đối với mức hỗ trợ 500.000 đồng/ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hỗ trợ 10.000.000 đồng/gia đình có người chết do nhiễm virus SARS-CoV2.

Tổng kinh phí đề xuất hỗ trợ một lần theo số liệu ước tính là: 389,55 tỷ đồng.

Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.11401 sec| 656.984 kb