Định hướng đúng để nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở nông thôn

Định hướng đúng để nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở nông thôn
Những năm qua, công tác đào tạo nghề nông thôn đang có những thành công ấn tượng nhờ sự chủ động chuyển từ lượng sang chất, tăng cường công tác nghiên cứu thị trường để định hướng đúng các chương trình dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp, HTX.

Thông qua các lớp đào tạo nghề được định hướng đúng, nhiều lao động nông thôn ở xã Phú Mậu (Phú Vang, Thừa Thiên – Huế) đã tìm được việc làm phù hợp, áp dụng hiệu quả vào các mô hình sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp tại địa phương.

Hiệu quả cao nhờ dạy đúng nghề

Điển hình, để nâng cao giá trị sản xuất trên địa bàn xã Phú Mậu, HTX Nông nghiệp Phú Mậu II đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề của huyện Phú Vang tổ chức các lớp dạy nghề trồng hoa cho thành viên và nông dân.

Ông Hà Út, Giám đốc HTX, cho hay trước đây, các thành viên HTX chỉ tập trung phát triển các giống hoa truyền thống. Kể từ năm 2017 đến nay, nhờ được học nghề, chuyển giao kỹ thuật, thành viên HTX đã tiến hành đa dạng các loại hoa và đầu tư mạnh cho các giống hoa mới như hoa ly, thược dược, lan mokara…

Theo ông Út, khác với những loài hoa truyền thống, những giống hoa mới đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn, đặc biệt là khi biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh, vì vậy công tác đào tạo nghề, nâng cao trình độ nhân lực là đặc biệt cần thiết.

Hiện, nhờ được dạy nghề, tập huấn kỹ thuật, 22 hộ thành viên của HTX đã tự tin trồng hoa tập trung theo hướng công nghệ cao, áp dụng hệ thống nhà màng và tưới nước tự động thay thế cho việc dùng sức lao động.

Việc đầu tư trồng hoa theo hướng công nghệ cao giúp HTX giảm đến 90% công chăm bón, tưới phân mà hiệu quả đạt được tăng đáng kể so với việc tưới, bón truyền thống.

Bên cạnh nghề trồng hoa, nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Dịch vụ ngành nghề - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp”, nhiều HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp gia đình ở Phú Mậu đã làm ăn thành đạt, với nhiều loại hình ngành nghề khác nhau, tạo được hàng trăm việc làm tại chỗ.

Điển hình như cơ sở lắp ráp nhà rường của ông Nguyễn Thành ở thôn Mậu Tài, doanh thu bình quân mỗi năm trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên. Cơ sở mộc mỹ nghệ Đinh Ngọc Hồi cũng ở Mậu Tài doanh thu bình quân mỗi năm trên 5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 12 lao động…

Ngoài ra, trên địa bàn xã hiện có hơn 1.000 người theo nghề thợ xây, thu nhập khá ổn định. Thời gian tới, xã sẽ mở các lớp tập huấn, vừa nâng cao trình độ, kỹ năng, vừa nâng cao ý thức về an toàn lao động cho người lao động.

Chú trọng tăng cả chất và lượng

Tương tự, Triệu Tài là một trong những xã điển hình trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động. Không chỉ khuyến khích học nghề để ứng tuyển vào làm việc ở các công ty, xã còn hỗ trợ người dân tự xây dựng các mô hình sản xuất.

Trước đây, trên diện tích đất vườn của nhà, anh Nguyễn Tiến Phong chỉ trồng các loại cây màu nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Cuối năm 2018, anh được tham gia lớp đào tạo nghề kỹ thuật trồng và chăm sóc dứa theo quy trình VietGAP, mở ra hướng đi hoàn toàn mới.

Đến nay, gia đình anh Phong đang triển khai gần 3 ha trồng dứa với 2 giống chủ đạo là Cayen và Queen, tất cả đều liên kết sản xuất, có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp, doanh thu đạt trên 300 triệu đồng/năm.

Anh Phong chia sẻ, thành công hiện tại là nhờ những kiến thức học được từ khóa học nghề cách đây hơn 3 năm. Trước đây, với tư duy tiểu nông, dù gặp vô vàn khó khăn nhưng gia đình anh ngại thay đổi, mãi gắn bó với ruộng lúa, vườn rau.

Sau khi học nghề, có cán bộ nông nghiệp đồng hành, anh Phong đã mạnh dạn vay vốn, chuyển đổi sang mô hình sản xuất mới, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp kinh tế gia đình ngày càng khởi sắc.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế hợp tác với nòng cốt là các HTX trên địa bàn xã Triệu Tài đang đóng góp tích cực vào quá trình đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Đến nay, toàn xã có gần 10 HTX, tạo việc làm cho gần 300 lao động thường xuyên, cùng nhiều lao động thời vụ. Sự ra đời của các HTX giúp mô hình nông nghiệp sản xuất theo quy trình canh tác tự nhiên trên địa bàn xã phát triển mạnh, góp phần tăng thu nhập bền vững cho người dân.

Điển hình như HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong, hiện triển khai trên 45 ha lúa theo phương thức canh tác tự nhiên, sử dụng giống lúa chất lượng cao.

Được biết, tham gia sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên, các thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật để sử dụng phân hữu cơ compost bón lót đầu vụ, quá trình chăm sóc chỉ sử dụng các chế phẩm vi sinh như đạm cá lên men, nước trái cây lên men, nước thân cây lên men; phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc thảo mộc như gừng, tỏi, ớt, cây thuốc lá…

Trong thời gian tới, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Triệu Tài tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn lên hơn 65%. Một trong những bước đi chiến lược để xã hoàn thành mục tiêu là nâng cao vai trò của các HTX, vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ, đồng thời phát huy tinh thần chủ động của người dân.

Theo: Vnbusiness

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.14478 sec| 662.398 kb