Hà Nội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hội nhập Cộng đồng ASEAN

Hà Nội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hội nhập Cộng đồng ASEAN
Khi tham gia đào tạo nghề theo cấp độ khu vực ASEAN, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn lao động chất lượng cao cho thành phố, cả nước và hội nhập cộng đồng ASEAN.

Nhiều trường đào tạo nghề trọng điểm cấp độ Khu vực ASEAN

Phát triển nguồn nhân lực là sự đầu tư dài hạn quan trọng nhất hướng tới phát triển bền vững của khu vực vì một tương lai chung và tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của quốc gia. Trong những năm gần đây, các nước trong Cộng đồng ASEAN rất tích cực tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực nói chung và GDNN nói riêng, trong đó có Việt Nam. Ngày 27/11/2017, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH Phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường dược lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025.

Trong đó, TP Hà Nội có nhiều trường trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) công lập được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm cấp độ Khu vực ASEAN. Bao gồm các trường: CĐ nghề cao Hà Nội, CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, CĐ nghề Việt Nam – Hàn Quốc TP Hà Nội, CĐ Nghệ thuật Hà Nội, TC Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long, TC nghề Cơ khí I Hà Nội, TC nghề Giao thông công chính Hà Nội…

Những trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm xây dựng dự án đầu tư theo các ngành, nghề trọng điểm cấp độ Khu vực ASEAN, đảm bảo đồng bộ về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý theo quy định. Đồng thời, các trường huy động những nguồn lực khác trong cùng với ngân sách nhà nước tổ chức đào tạo ngành, nghề trọng điểm để người học sau khi học xong sẽ có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp tiếp cận với các nước tiên tiến trên thế giới. Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội được Bộ LĐTB&XH lựa chọn 2 nghề trọng điểm cấp độ Khu vực ASEAN là Điện tử công nghiệp và Cắt gọt kim loại. Phó Hiệu trưởng trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Huy chia sẻ: “Chương trình đào tạo được xây dựng 30% lý thuyết, 70% thực hành và theo hướng mở. Năm 2018, nhà trường cử một số giáo viên tham gia đào tạo kỹ năng nghề ASEAN tại Malaysia”.

Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội đã triển khai đào tạo ngành nghề trọng điểm Công nghệ ô tô cấp độ Khu vực ASEAN từ năm 2008.
Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội đã triển khai đào tạo ngành nghề trọng điểm Công nghệ ô tô cấp độ Khu vực ASEAN từ năm 2008.

Được sự quan tâm của Bộ LĐTB&XH, ban ngành, trường TC nghề Giao thông công chính Hà Nội đã triển khai đào tạo ngành nghề trọng điểm Công nghệ ô tô cấp độ Khu vực ASEAN từ năm 2008. Phó Hiệu trưởng trường TC nghề Giao thông công chính Hà Nội Trần Việt Hùng cho hay: Để chuẩn bị cho đào tạo nghề cấp độ Khu vực ASEAN, nhà trường đã tổ chức cho giáo viên được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ví dụ như cử giáo viên tham gia đào tạo kỹ năng nghề ASEAN tại Malaysia, trong nước với giảng viên đào tạo là người nước ngoài và nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng nghề khác. Đồng thời, nhà trường chú trọng đầu tư các thiết bị công nghệ mới của ngành Công nghệ ô tô.

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô

Các trường được lựa chọn đào tạo ngành, nghề trọng điểm cấp độ Khu vực ASEAN, khẳng định: Với chương trình đào tạo mới có mục tiêu đào tạo học sinh, sinh viên trở thành công dân toàn cầu, đã trang bị cho sinh viên kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội và những kỹ năng an toàn lao động, kỹ năng mềm, kỹ năng sống, làm việc nhóm, CNTT và ngoại ngữ.

Chương trình ngành, nghề trọng điểm cấp độ Khu vực ASEAN được thay đổi theo hướng đào tạo gắn với DN; trong đó tiếp cận với trình độ đào tạo nghề nghiệp tiên tiến của khu vực và thế giới có tính liên thông giữa các trình độ đào tạo trong hệ thống GDNN. Qua đó nhằm cải thiện kỹ năng cho người lao động phù hợp với tình hình mới, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP Hà Nội, toàn quốc và khu vực ASEAN.

Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội được đào tạo nghề cấp độ Khu vực ASEAN được các tập đoàn, doanh nghiệp FDI tuyển dụng vào làm việc với mức lương khá cao.
Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội được đào tạo nghề cấp độ Khu vực ASEAN được các tập đoàn, doanh nghiệp FDI tuyển dụng vào làm việc với mức lương khá cao.

“Khi áp dụng chương trình đào tạo mới, các em học sinh có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề tốt hơn, bước đầu đã bắt nhịp được với sự phát triển của ngành Công nghệ ô tô; ngoài ra, các em có khả năng làm việc tự chủ, độc lập trong công việc, đáp ứng công việc trong thời gian ngắn…” – thầy Trần Việt Hùng cho hay. Trong khi đó, sinh viên trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội khi học ngành, nghề trọng điểm cấp độ Khu vực ASEAN khi tốt nghiệp tỷ lệ có việc làm sau 6 tháng lên tới gần 100% (trừ một ít em học liên thông lên cao); được các DN tuyển dụng và đánh giá rất cao, với mức lương thấp nhất 12 triệu đồng/tháng.

"Khi áp dụng chương trình đào tạo mới, các em học sinh đã có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề tốt hơn..." - Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội Trần Việt Hùng cho hay.

Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ Về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, hiện nay một số trường mong muốn được mở rộng ngành nghề trọng điểm cấp độ Khu vực ASEAN. Cùng với việc đào tạo chương trình cấp độ quốc tế, trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội đã đăng ký thêm 2 nghề trọng điểm cấp độ Khu vực ASEAN là Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Công nghệ thông tin. Như vậy sẽ nâng cao năng lực thực hiện cho giáo viên, hiệu quả của người học; đáp ứng nhu cầu của các DN trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Lãnh đạo các cơ sở GDNN mong muốn Bộ LĐTB&XH, TP Hà Nội có thêm những cơ chế, hỗ trợ cho nhà trường được hợp tác với các trường ở những nước trong Cộng đồng ASEAN. Đồng thời, tạo cơ hội cho giáo viên được học tập nâng cao trình độ chuyên môn tại các nước trong khu vực, khả năng sử dụng tiếng Anh để áp dụng trong công tác đào tạo nghề. Qua đó khẳng định những giá trị, lợi ích cơ bản và lâu dài mà Cộng đồng ASEAN đã và sẽ mang lại cho Việt Nam trên 3 trụ cột “Chính trị - An ninh”, “Kinh tế”, “Văn hóa – Xã hội”.

Theo: Báo Kinh tế và Đô thị

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.07748 sec| 662.883 kb