Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam: Nhiều tin tưởng, kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới

Phát biểu tham luận tại Đại hội cũng như trao đổi bên lề với PV Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống tại Đại hội Đại biểu lần III nhiệm kỳ 2021-2025 Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam hôm 8/1, nhiều ý kiến đại biểu, Hội viên Hiệp hội bày tỏ sự ghi nhận và đánh giá cao với những kết quả của Hiệp hội trong 2 nhiệm kỳ vừa qua. Các ý kiến đại biểu cũng thể hiện sự tin tưởng, hy vọng vào những thành tích của Hiệp hội trong nhiệm kỳ mới.

Bà Nguyễn Thị Hằng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam:

Kiên trì vận động để thế hệ trẻ yêu nghề, giỏi nghề

Lịch sử nhân loại xa xưa, con người có thể chưa được học chữ, học văn hóa nhưng đã phải học nghề, phải biết lao động để tồn tại, phát triển.

GDNN có vị trí, vai trò quan trọng nhưng chưa được đầu tư đồng bộ và xứng tầm. Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cần có sự kiên trì đối với công tác GDNN, góp sức cho sự phát triển của GDNN.

Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam: Nhiều tin tưởng, kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới

Trong những năm qua, Hiệp hội đã sát cánh với ngành LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN, đề xuất chính sách, cơ chế cho GDNN trên cơ sở thực tiễn cuộc sống, vận động, nâng cao nhận thức của người lao động học nghề.

Tới đây, Hiệp hội cần tiếp tục làm tốt hơn nữa các nội dung này. Ban chấp hành Hiệp hội, các thành viên của Hiệp hồi cần tiếp tục nâng cao trình độ để nâng cao chất lượng tư vấn, tham mưu chính sách. Chú trọng công tác truyền thông để người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu được vai trò của học nghề, yêu nghề, giỏi nghề.

Đồng thời quan tâm triển khai công tác nghiên cứu khoa học, lựa chọn tham gia nghiên cứu những đề tài chuyên môn có tác động thiết thực với hoạt động của Hiệp hội và hội viên, tham gia giải quyết những điểm “nghẽn” trong hoạt động GDNN, CTXH…

TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội:

Mong muốn Hiệp hội góp sức gỡ nút thắt về thể chế

Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam có vai trò quan trọng đối với hệ thống GDNN. Điều này thể hiện qua những đóng góp của Hiệp hội trong góp ý xây dựng chính sách, qua vai trò kết nối “3 nhà”: nhà nước – nhà doanh nghiệp và nhà trường GDNN, qua các hoạt động truyền thông về GDNN. Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống của Hiệp hội là một trong những kênh truyền thông rất hiệu quả cho GDNN.

Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam: Nhiều tin tưởng, kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới

Trong nhiệm kỳ tới, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cần hướng đến mục tiêu thu hút thêm hội viên mới, phấn đấu 100% cơ sở GDNN đều là Hội viên Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam.

Để trả lời được cho câu hỏi “tham gia Hiệp hội để làm gì”, “tham gia Hiệp hội để được gì”, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam phải xây dựng được uy tín, tăng cường kết nối nội bộ và hợp tác quốc tế. Cùng với đó, Hiệp hội cần có tiếng nói phản biện xã hội trong một số vấn đề cấp bách của GDNN hiện nay như: Sự chồng chéo về cơ chế, chính sách giữa GDNN với giáo dục THPT, bất cập trong cơ chế đào tạo chuyển đổi số, đào tạo linh hoạt, mở…

Cụ thể, về “nút thắt 9+”, Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới đã giao nhiệm vụ cho Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thí điểm đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS.

Tuy nhiên, bất cập hiện nay là học sinh phải học nghề tại cơ sở GDNN và học văn hóa tại trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Người học mới 15 tuổi, sức khỏe, tâm sinh lý, thể trạng còn chưa hoàn thiện. Chỉ tính riêng việc di chuyển giữa hai cơ sở học nghề và học văn hóa cũng đã tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Về phía các sơ sở GDNN muốn quản lý chất lượng văn hóa để chuẩn chất lượng cho học nghề cũng khó khăn.

Đối với vấn đề đào tạo chuyển đổi số, các cơ sở GDNN phải tăng cường ứng dụng công nghệ, tổ chức các hoạt động đào tạo cũng như các hoạt động khác trên môi trường mạng…, trong khi các cơ chế, chính sách của Nhà nước hiện chưa đáp ứng kịp với quá trình này.

Về vấn đề đào tạo linh hoạt, mở thì phải làm thế nào có cơ chế để khi doanh nghiệp có nhu cầu và năng lực nhà trường đáp ứng được thì có thể đào tạo ngay. Thực tế quy định hiện hành chưa có cơ chế cho vấn đề này. Nếu nhà trường đào tạo khi chưa được phép, nhất là những trường đã tuyển sinh đủ số lượng theo giấy phép đăng ký hoạt động GDNN thì sẽ bị tính là vi phạm. Điều này khiến GDNN khó có thể đào tạo linh hoạt, mở được…

Do đó, tôi cho rằng, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cần thể hiện vai trò của mình qua việc tham gia đóng góp ý kiến để các cơ quan quản lý nhà nước thấy được các nút thắt nêu trên, để kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

Về phía hội viên của Hiệp hội, cũng phải có trách nhiệm hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích đã được đề ra, tích cực tham gia vào các hoạt động của Hiệp hội, góp sức vào việc xây dựng uy tín cũng như lớn mạnh của Hiệp hội…

Nhà giáo ưu tú, TS Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh:

Đề xuất giải thưởng dành riêng cho nhà giáo GDNN

Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam: Nhiều tin tưởng, kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới

Nhiệm kỳ vừa qua, Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam đã thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện xã hội liên quan đến việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ Luật Lao động sửa đổi, Khung trình độ quốc gia, Khung tham chiếu ASEAN, các thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH …

Đối với các hội viên, Hiệp hội đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn về triển khai đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên kết với doanh nghiệp, góp phần tăng cơ hội học tập cũng như cơ hội việc làm cho người học.

Trong nhiệm kỳ tới, Hiệp hội cần tiếp tục phát huy vai trò phản biện xã hội. Đề xuất các chính sách phù hợp thúc đẩy nhanh việc tăng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu cuộc CMCN lần thứ tư.

Hiệp hội cũng cần quan tâm đề xuất giải thưởng riêng cho nhà giáo GDNN nhằm tôn vinh, động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo gắn bó với đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức nhiều hơn các hội thảo khoa học, tọa đàm để liên kết các hội viên, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm tốt”.

Ông Mai Văn Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng VMU Hải Phòng:

Hiệp hội đã rất tích cực trong kết nối GDNN và nghề CTXH

Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam: Nhiều tin tưởng, kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới

Trường Cao đẳng VMU tham gia Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam ngay từ thời gian đầu thành lập Hiệp hội. Trải qua 2 nhiệm kỳ hoạt động, chúng tôi nhận thấy Hiệp hội đã rất tích cực trong việc kết nối GDNN và nghề CTXH Việt Nam. Ban chấp hành và các thành viên của Hiệp hội trong quá trình hoạt động đã tương trợ góp phần đưa công tác GDNN ngày càng phát triển.

Chúng tôi mong muốn, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để góp phần nâng cao nhận thức đối với người dân và học sinh về GDNN, góp phần thực hiện tốt công tác phân luồng sau THCS, THPT.

Đồng thời mong muốn Hiệp hội trên cơ sở nắm bắt rõ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của của Nhà nước về GDNN tư vấn, tuyên truyền đến các trường thành viên để kịp thời nắm bắt và thực hiện.

Bà Phạm Ngọc Anh, chuyên gia cao cấp của Chương trình đổi mới GDNN Việt Nam, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ):

Tăng cường phối hợp truyền thông và tham mưu chính sách

Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam: Nhiều tin tưởng, kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới

Là một Hội viên của Hiệp hội, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức chúc mừng những thành tích Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam đã đạt được trong 2 nhiệm kỳ vừa qua. Đó là những thành tích quan trọng và ấn tượng.

Trong nhiệm kỳ tới, chúng tôi mong muốn phối hợp với Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số trong GDNN đang diễn ra mạnh mẽ.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp trong công tác tham mưu, tư vấn chính sách, nhằm thúc đẩy GDNN của Việt Nam phát triển.

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.32338 sec| 663.977 kb