Các học viên và gia đình, các cán bộ của chương trình PAM trước khi di cư sang Đức. Ảnh: GIZ
Vào ngày 8 tháng 4 năm 2024, Chương trình PAM đã tổ chức lễ chia tay cho hai trong số các học viên tốt nghiệp ưu tú, Hồ Nhựt Khánh và Lê Việt Hòa. Hai học viên tốt nghiệp từ Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 đã tới Đức vào chiều ngày 9 tháng 4 năm 2024 (giờ Việt Nam) và sẽ làm việc ở vị trí kỹ thuật viên cắt gọt kim loại có tay nghề cao tại thành phố Beilngries, CHLB Đức. Đây là sự khởi đầu một chương đầy thú vị cho thanh niên Việt Nam cũng như mối quan hệ đối tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Cộng Hòa Liên Bang Đức trong lĩnh vực đào tạo và di cư lao động.
Tại buổi lễ chia tay, ông Santiago Alonso Rodriguez, Trưởng Phòng Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Đại Sứ Quán Đức tại Việt Nam nhấn mạnh sự hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia trong việc phát triển tài năng và thúc đẩy trao đổi quốc tế. Ông Rodriguez chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, các em (học viên tốt nghiệp) sẽ bắt đầu sự nghiệp như những kỹ thuật viên chất lượng cao tại công ty ở Bavaria. Đây là cơ hội lớn giúp các em phát triển chuyên môn, cuộc sống cá nhân và thúc đẩy cầu nối giữa Việt Nam và Đức. Thay mặt cho Đại Sứ quán Đức tại Hà Nội, chúng tôi chúc các em mọi điều tốt đẹp trong công việc mới tại Đức.”
Phát biểu của Trưởng phòng Hợp tác Kinh tế và Phát triển, Đại sứ quán Đức, Santiago Alonso Rodriguez.
Cùng tham dự buổi lễ, có ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2, nơi mà Khánh và Hòa được đào tạo để trở thành các kỹ thuật viên cắt gọt kim loại định hướng theo tiêu chuẩn quốc tế. Ông Cường bày tỏ niềm tự hào về thành công của Khánh và Hòa và chúc các em những điều tốt đẹp cho sự nghiệp tương lai tại Đức.
02 học viên tốt nghiệp chương trình PAM cùng cô giáo bộ môn cắt gọt kim loại.
Hồ Nhựt Khánh, một học viên trong Chương trình PAM đã có vinh dự được gặp Tổng thống Đức, ông Steinmeier, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống vào tháng 1 năm 2024, bày tỏ sự phấn khích khi chuẩn bị bước vào cuộc sống mới tại Đức. Trước khi khởi hành sang Đức, trong Khánh có nhiều cảm xúc khó diễn tả bằng lời. “ Em thấy mình thật may mắn khi tham gia vào chương trình PAM, để từ đó em có cơ hội theo đuổi đam mê trong lĩnh vực cắt gọt kim loại và tiếng Đức. Mặc dù nhiều thử thách, hành trình này giúp em hiểu thêm về chính mình và nỗ lực để đạt tới mục tiêu. Một chương mới mở ra cho em cơ hội nghề nghiệp và cuộc sống mới, nhưng cũng tồn tại không ít rào cản, giả sử như thành thạo tiếng Đức. Tuy vậy, em tin rằng mình có thể vượt qua những thách thức đó, hòa nhập vào cuộc sống mới và thể hiện tốt nhất trong công việc.”
Trao quà kỷ niệm cho học viên: Ảnh chụp Lễ tốt nghiệp Chương trình PAM và Chuyến thăm của Tống thống Đức tới Việt Nam (1/2024).
Chương trình PAM đã hỗ trợ 50 học viên tại Việt Nam; 09 học viên tiếp theo sẽ di cư trong những tháng tới đây để sang Đức làm việc như những lao động lành nghề trong lĩnh vực cắt gọt kim loại. 14 học viên tốt nghiệp lớp PAM tiếp tục học lên hệ cao đẳng trong lĩnh vực cắt gọt kim loại và 18 học viên đã tham gia vào thị trường lao động Việt Nam như những lao động lành nghề. Những học viên tốt nghiệp được nhận học bổng và hưởng lợi từ chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Các em sẽ đóng góp năng lực của mình vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và Đức. Những tác động tích cực của chương trình PAM với thị trường lao động Đức và Việt Nam đánh dấu sự thành công tốt đẹp trong hợp tác giữa Việt Nam và Đức về đào tạo nghề và di cư lao động có kỹ năng định hướng phát triển.
Ảnh chụp chung với học viên tốt nghiệp PAM và gia đình.
Chương trình “Cơ chế đối tác thúc đẩy giáo dục nghề và Di cư lao động định hướng phát triển” (PAM) được ủy quyền bởi Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ).
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm