Luật Giáo dục nghề nghiệp: Nhiều bất cập, cần sửa đổi

Luật Giáo dục nghề nghiệp: Nhiều bất cập, cần sửa đổi
Nhiều vấn như quy định về phân luồng, chỉ tiêu tuyển sinh, giảng dạy chương trình văn hóa THPT, quy định đào tạo liên thông…, trong Luật GDNN đã không còn phù hợp với thực tiễn và cần sớm sửa đổi để nâng cao chất lượng GDNN.

Đây là những vấn đề nổi bật được các đại biểu đưa ra thảo luận, mổ xẻ và khuyến nghị các giải pháp tại Hội thảo “Một số khuyến nghị về chính sách, pháp luật giáo dục nghề nghiệp” do Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam cùng Tổng cục GDNN và Tổ chức GIZ phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Qua đó, các chuyên gia sẽ tổng hợp, rà soát các vấn đề để tham mưu cho Tổng cục GDNN kiến nghị cấp trên để tháo gỡ những tồn tại, cũng như tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các cơ sở GDNN triển khai các hoạt động tuyển sinh, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng chất lượng theo hướng mở, linh hoạt, vì lợi ích của người học và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động.

Tại hội thảo này, có khá nhiều vấn đề bất cập cần được sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh đối với Luật GDNN hiện hành. Thậm chí, có những vấn đề mới liên quan đến chuyển đổi số được hầu hết các đại biểu tham dự đồng tình kiến nghị, đưa vào Luật GDNN.

Luật Giáo dục nghề nghiệp: Nhiều bất cập, cần sửa đổi

TS Phan Chính Thức – Chuyên gia cao cấp về GDNN cho biết: Nếu không có sự điều chỉnh phù hợp, mục tiêu 50- 55% phân luồng hướng nghiệp khó thành hiện thực.

Trình bày tham luận về phân luồng, liên thông trong GDNN, TS Phan Chính Thức – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Chuyên gia cao cấp về GDNN cho biết, hiện nay học sinh cấp THCS vào GDNN mới chỉ đạt hơn 15% trong khi mục tiêu là 50- 55%. Vậy nên, cần có sự tác động của cả hệ thống các cấp, ngành và cần có sự điều chỉnh Luật GDNN phù hợp mới có thể đạt được mục tiêu 50- 55% phân luồng GDNN.

TS Phan Chính thức nhấn mạnh việc cần điều chỉnh (Điều 4 Luật GDNN), cụ thể: Nguồn nhân lực được đào tạo có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh CMCN 4.0, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh và hội nhập quốc tế. Các trình độ đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng cần được tạo điều kiện để sinh viên có khả năng học cao hơn.

Ngoài ra, TS Phan Chính Thức cho rằng, Điều 9 Luật GDNN quy định về liên thông trong đào tạo cũng cần được điều chỉnh, tạo sự thông thoáng cho người học, đặc biệt là đào tạo liên thông từ trình độ đào tạo cao xuống trình độ thấp hơn cùng ngành nghề, hoặc khi chuyển sang học ngành, nghề khác thì không phải học lại những nội dung đã học…

Chia sẻ về những tồn tại, bất cập trong việc dạy văn hóa chương trình THPT theo hệ 9+ tại các cơ sở GDNN, TS Nguyễn Thị Thu Dung – Hiệu trưởng trường CĐ Y tế Thái Bình cho biết, vấn đề này đã tồn tại nhiều năm nay, qua hai nhiệm kỳ quốc hội khóa 14, 15, với 4 kỳ họp. Bản thân bà Dung với tư cách là đại biểu Quốc hội đã đưa vấn đề này ra chất vấn nhưng đến hiện tại vẫn chưa được giải quyết, vẫn chưa có sự thống nhất, quy định rõ ràng nên bà sẽ tiếp tục chất vấn tại các kỳ họp quốc hội tới.

Luật Giáo dục nghề nghiệp: Nhiều bất cập, cần sửa đổi

TS Nguyễn Thị Thu Dung – Hiệu trưởng trường CĐ Y tế Thái Bình: “Bất cập về quy định dạy chương trình văn hóa THPT trong cơ sở GDNN đã chất vấn qua 2 kỳ quốc hội nhưng vẫn chưa được giải quy.

Bà Dung cho rằng, bất cập trong giáo dục đại học và GDNN, đặc biệt là tổ chức giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN, cần có sự chia sẻ trách nhiệm của . Vì vậy, việc tổ chức những hội thảo như thế này để lấy ý kiến, rà soát lại những vấn đề tồn tại và khuyến nghị đến cơ quan quản lý nhà nước, Quốc hội để sửa đổi Luật, sửa đổi chính sách pháp lý là rất cần thiết.

Đề cập đến xu thế chuyển đổi số, hội nhập quốc tế trong GDNN, PGS.TS Mạc Văn Tiến –  Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN & Nghề CTXH Việt Nam đánh giá đây là cơ hội thuận lợi, mang đến vô vàn tiện ích đối với người học. Sinh viên sẽ được tiếp cận thông tin trên không gian số, học liệu số, tạo ra kỹ năng số và điều này đang được nhiều cơ sở GDNN triển khai hiệu quả. Tuy nhiên, những tiêu chí, quy định về diện tích, cơ sở hạ tầng, số lượng học sinh, sinh viên/đội ngũ giảng viên quy định tại Luật GDNN hiện hành hơi cứng nhắc. Do vậy, vấn đề Chuyển đổi số cần được khuyến nghị đưa vào Luật GDNN, từ đó ban hành những quy chuẩn, tiêu chí đối với việc đầu tư hạ tầng, trang thiết bị công nghệ cho đào tạo phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.

Luật Giáo dục nghề nghiệp: Nhiều bất cập, cần sửa đổi

PGS.TS Mạc Văn Tiến: “Vấn đề chuyển đổi số cần được đưa vào Luật GDNN”.

Còn theo ông Nguyễn Đức Lưu – Hiệu trưởng CĐ Công nghiệp Bắc Ninh, thư viện số, dữ liệu số, quản trị số cũng cần được Luật GDNN công nhận là sản phẩm số khi đánh giá đầu tư. Đặc biệt, Hiệu trưởng Nguyễn Đức Lưu khuyến nghị cần đưa vào Luật GDNN chính sách liên quan đến đào tạo nghiệp vụ sư phạm, cấp chứng chỉ cho đội ngũ giảng viên tại doanh nghiệp để họ có đủ tư cách pháp nhân trong đào tạo nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, sinh viên cơ sở GDNN có thể vừa được đào tạo tại nhà trường, vừa được thực hành, tham gia sản xuất tại doanh nghiệp và có kết quả đánh giá của giảng viên doanh nghiệp.

“Trường CĐ Công nghiệp Bắc Ninh được sự hỗ trợ nguồn lực của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) nên có chức năng đào tạo, cấp chứng chỉ cho giảng viên doanh nghiệp. Đây là một trong những giải pháp tránh ‘chảy máu’ nguồn nhân lực. Nhưng các cơ sở GDNN khác không có nguồn lực hỗ trợ, chắc chắc cần đến những chính sách quan tâm, đầu tư” – ông Lưu kiến nghị.

Luật Giáo dục nghề nghiệp: Nhiều bất cập, cần sửa đổi

Ông Nguyễn Đức Lưu – Hiệu trưởng CĐ Công nghiệp Bắc Ninh nhấn mạnh việc luật hóa đào tạo và cấp chứng chỉ sư phạm cho đội ngũ giảng viên của doanh nghiệp.  

Phản ánh về những bất cập trong các quy định về đào tạo, tuyển sinh, PGS.TS Mạc Văn Tiến cho biết, việc hướng dẫn xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên thực tế đang trở thành quy trình “cấp phép” chỉ tiêu đào tạo – giống như một loại giấy phép con với nhiều bất hợp lý về phân cấp, quy trình thủ tục mất thời gian và cứng nhắc, không đảm bảo linh hoạt trước biến động của thị trường lao động.

Do vậy, qua khảo sát ý kiến của các cơ sở GDNN, ông Tiến đưa ra khuyến nghị cho phép các cơ sở GDNN được chủ động xác định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực của nhà trường. Người đứng đầu cơ sở GDNN quy định việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ban hành quy chế tuyển sinh của nhà trường. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ thực hiện khâu hậu kiểm…Các vấn đề kiểm định, quy định mạng lưới GDNN trên thực tế cũng nhiều vướng mắc và được khuyến nghị cần được tổ chức lại.

 

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.02145 sec| 665.547 kb