VAVET&SOW kiến nghị Bộ GD-ĐT về việc sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

VAVET&SOW kiến nghị Bộ GD-ĐT về việc sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam vừa có công văn gửi Bộ Giáo dục Đào tạo về việc sắp xếp, sáp nhập các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nguyên văn của công văn như sau:

Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, cả nước sẽ giảm từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xuống còn 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 

Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội) hoàn toàn ủng hộ chủ trương trên của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay trong quá trình thực hiện sắp xếp sáp nhập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN), một số cơ sở GDNN là thành viên của Hiệp hội đã phản ánh một số vấn đề liên quan đến việc quy hoạch các cơ sở GDNN trên địa bàn. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ thực tiễn địa phương, Hiệp hội có một số kiến nghị với Quý Bộ như sau: 

1. Một số chủ trương, định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước 

- Tại Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã định hướng mục tiêu và yêu cầu: “Các cấp uỷ, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ cần phối hợp chặt chẽ, kịp thời, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và tiến độ thực hiện. Quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy phải bảo đảm hoạt động thường xuyên, liên tục của các cơ quan, tổ chức, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến các hoạt động của Đảng, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp". 

Tại Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã xác định rõ: “Giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế và thực hiện chuyển giao cho chính quyền cấp xã quản lý các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, trạm y tế của đơn vị cơ sở mới để bảo đảm công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân ngay tại cơ sở và bảo đảm đủ trường, lớp cho học sinh trên địa bàn cơ sở...” và “Đối với các đơn vị sự nghiệp khác, giao Đảng uỷ Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tinh gọn đầu mối, bảo đảm cung ứng nhiều dịch vụ công cơ bản, thiết yếu trên địa bàn đơn vị hành chính cấp xã, liên xã." 

- Tại Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 29/02/2025 của Quốc hội quy định về xửlý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước nêu nguyên tắc: “Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan; không để gián đoạn công việc, không để chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp". 

- Tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/4/2025 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã phân công trách nhiệm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Ban hành hướng dẫn bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo tại các đơn vị hành chính (ĐVHC) thực hiện sắp xếp.. Hướng dẫn công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đào tạo tại các tỉnh, thành phố khi kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện, sắp xếp ĐVHC cấp xã tại các địa phương,... và các vấn đề khác có liên quan thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. 

2. Theo tinh thần chỉ đạo trên, Hiệp hội kính đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước ở các địa phương trước khi sáp nhập các cơ sở GDNN cần cân nhắc kỹ lưỡng, có những nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn; không nên triển khai sáp nhập một cách vội vàng, cứng nhắc. Điều đó sẽ nảy sinh những bất cập đối với việc tham gia của người học vào hệ thống GDNN ở những nơi có địa bàn rộng (sau sáp nhập), nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những địa phương điều kiện kinh tế khó khăn... 

Trong khi chưa có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật (các Luật, Nghị định, chiến lược, quy hoạch...) có liên quan, đề nghị giữ ổn định mạng lưới các cơ sở GDNN trong giai đoạn hiện nay cho đến khi Quốc Hội thông qua Hiến pháp, Luật liên quan và quyết định về các đơn vị hành chính mới. Đề nghị Chính phủ và Quý Bộ khẩn trương xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN trong tổng thể Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục chung. 

Hiệp hội mong muốn nhận được sự quan tâm của Quý Bộ, các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương trong việc góp phần phát triển hệ thống GDNN mở, linh hoạt, góp phần bảo đảm và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, cơ hội học tập suốt đời của người dân, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hiệp hội kính mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Quý Bộ.

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.10 ngày trước
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.03281 sec| 669.328 kb