Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Hằng nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam; TS Phạm Vũ Quốc Binh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; TS Phan Sỹ Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam cùng đại diện chuyên gia của Tổ chức GIZ, lãnh đạo các trường cao đẳng. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham gia của rất nhiều chuyên gia và cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Định vị nhận thức chuyển đổi số
Nói về chuyển đổi số (CĐS) trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, CĐS là một phương thức để tạo ra các giá trị mới trên nền tảng công nghệ. Hệ sinh thái của CĐS trong GDNN gồm con người - thể chế - công nghệ. Theo ông Bình, thể chế trong CĐS chính là hành lang pháp lý, các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn trường nghề số trong GDNN. Hạ tầng công nghệ và cơ sở dữ liệu là một trong những yếu tố nền tảng của CĐS. Nhưng con người vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Công nghệ 4.0 phải có con người 4.0. Muốn tích hợp và kết nối dữ liệu số trong nhà trường, giữa nhà trường với nhà trường, giữa nhà trường với doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều cần có nền tảng và cơ sở dữ liệu. Hiện những nền tảng số được xây dựng từ nhiều năm trước, trên hệ thống công nghệ cũ không còn phù hợp. Vì vậy, hoàn thiện thể chế pháp lý cho phù hợp với sự thay đổi khi CĐS đang là yêu cầu đang đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước.
Theo chuyên gia GDNN, TS Phan Chính Thức, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, CĐS không phải là bài toán về công nghệ mà là bài toán về con người. Minh chứng cho nhận định này, TS Nguyễn Nhật Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết, rất nhiều trường ồ ạt nhập khẩu trang thiết bị công nghệ phần cứng, phần mềm số hóa với mong muốn tạo nên một nhà trường Số nhưng lại không thành công, máy móc, phần mềm bị bỏ xó vì thiếu sự chuẩn bị cho cán bộ, giảng viên kỹ năng để ứng dụng công nghệ một cách thành thạo. Nhiều giáo viên xây dựng bài giảng nhưng không nhập được lên hệ thống số, số khác thì vẫn soạn bài giảng theo phương pháp dạy truyền thống và giảng dạy trực tuyến giống như khi giãn cách xã hội thời Covid-19 và coi đó là CĐS”, đó là một quan niệm sai lầm. Do đó, bên cạnh yêu cầu về chuyển đổi hạ tầng công nghệ, yếu tố quan trọng nhất là chuyển đổi con người, chuyển đổi về nhận thức và quy trình làm việc của cả hệ thống”, ông Quang nhấn mạnh.
PGS.TS Mạc Văn Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và Nghề CTXH Việt Nam chia sẻ, CĐS khác với số hóa. Theo Nguyễn Thành Phúc (2018), “số hóa” là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số, còn “chuyển đổi số” là khi có dữ liệu được số hoá rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Big Data… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác.
TS Phan Sỹ Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội phát biểu tại hội thảo.
Định vị hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng kỹ sư thực hành
TS Nguyễn Nhật Quang, Phó chủ tịch VINASA cho rằng, chuyển đổi số, kinh tế số và kinh tế Xanh đang định vị lại toàn bộ hoạt động của con người và thế giới. Sẽ có rất nhiều ngành nghề mất đi, trong tương lai những người “bị bỏ lại phái sau” không phải là người lao động trực tiếp mà số đông là những người lao động gián tiếp, trong đó kiến trúc sư, thư ký, trợ lý ..là những nghề sẽ bị mất đi. Vì vậy đòi hỏi giáo dục nói chung và GDNN nói riêng phải định vị lại vị thế.
Không phải các em không vào được đại học thì mới đi học nghề. Đó là một quan niệm sai lầm. Ông Quang bày tỏ quan điểm và phân tích thêm, với kinh tế số hầu hết tất cả các ngành nghề đều có kỹ thuật số. Ví dụ, cấu tạo của một chiếc ô tô ngày nay hoàn toàn là công nghệ thông tin, 80% là sử dụng chip điện tử chứ không còn là cấu tạo cơ khí như trước, ngay phần cơ khí còn lại cũng thực hiện trên kỹ thuật số. Vậy ai sẽ xây dựng và vận hành thành phố thông minh, ai sẽ xây dựng và vận hành nhà máy thông minh? Đại học không làm được, bởi đại học đào tạo theo hướng học thuật, còn GDNN đào tạo theo hướng thực hành nhưng thực hành không phải như người thợ trước đây chỉ làm những việc do người khác chỉ bảo mà kinh tế số đòi hỏi người thợ phải thực hiện công việc bằng các kiến thức chuyên sâu và CĐS ở trình độ của kỹ sư thực hành mới thực hiện được.
Bởi vậy, GDNN cần định vị lại, nâng tầm vị thế, thay đổi cách quản trị, quản lý nhà trường; thay đổi nội dung đào tạo các ngành nghề mới và hướng tới trường học thông minh. Ông Quang nhấn mạnh.
Mô hình hay cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham khảo
Không phải không có những cơ sở mới số hóa mà chưa chuyển đổi số, được nhưng cũng không phải không có nhiều cở sở GDNN thành công trong CĐS. Trong đó, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội; Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Cao đẳng Viễn Đông; CĐ Kỹ thuật Công nghệ Qui Nhơn; ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long..là những thí dụ điểm hình.
Ths Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, Đại học Công nghiệp Hà Nội là một trong những trường đại học dẫn đầu về CĐS tại Việt Nam khi đã CĐS đến 95% công việc. Gần như tất cả quy trình làm việc, văn bản giấy tờ thủ tục, chương trình đào tạo, học liệu… đều đã được nhà trường CĐS thành công, tạo ra hiệu suất làm việc nhanh chóng, khoa học và thuận tiện.
Ông Hoàng Anh cho biết thêm, thay vì ồ ạt đầu tư trang bị thiết bị công nghệ, nhà trường vừa tập huấn cán bộ, giảng viên, sinh viên thích ứng với quy trình làm việc, học tập số hóa song song với đầu tư trang thiết bị hạ tầng công nghệ, xây dựng phần mềm…để tạo nên một trường đại học thông minh. “Chúng tôi quyết liệt trong CĐS đến mức, khi kiểm định chất lượng nhà trường, công ty kiểm định yêu cầu nhà trường phải có tài liệu văn bản bằng giấy tờ truyền thống, nhưng tất cả tài liệu này đã được số hóa nên chúng tôi nói, nếu công ty kiểm định chấp nhận làm việc trên hệ thống số hóa thì tiếp tục làm, còn không chúng tôi thuê người khác.” ông Hoàng Anh nói.
TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho biết, CĐS của nhà trường cũng bắt đầu từ khâu đào tạo bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, giáo viên, giảng viên; tiếp đến là xây dựng, chỉnh sửa chương trình. Đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng số; số hóa dự liệu. Bên cạnh đó nhà trường còn ký kết hợp tác đào tạo với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Trong 2 năm,nhà trường đã thực hiện chỉnh sửa 35 chương trình đào tạo các ngành nghề phù hợp với công nghệ số. xây dựng mới 02 chương trình cao đẳng 4 chương trình trung cấp và nhiều chương trình sơ cấp, xin cấp phép 4 nghề trung cấp lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp và 2 nghề cao đẳng du lịch lữ hành và công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội.Tăng cường các biện pháp truyền thông trực tuyến (online), truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền hình, online, các trang Web, zalo, fanpage…cung cấp đầy đủ thông tin về giáo dục nghề nghiệp; ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo, chương trình đào tạo trong tình hình mới của nhà trường tới người học.
Xây dựng trang website của nhà trường kết nối với trang website của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, trang truyền thông tuyển sinh, tìm hiểu thông tin bằng quét mã QR.
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm