Bất cập tiền lương của giáo viên GDNN và một số giải pháp hoàn thiện

Những bất hợp lý trong chính sách tiền lương của đội ngũ giảng viên đã dẫn đến thu nhập ngoài lương phát triển tràn lan, thậm chí còn cao hơn nhiều so với tiền lương, các giảng viên không còn thời gian để học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ và nghiên cứu khoa học, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Đảng và nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, một mặt tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp, mặt khác thực hiện xã hội hoá giáo dục nghề nghiệp nhằm huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển. Bên cạnh một số kết quả đạt được như quy mô đào tạo tăng lên, cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ giảng dạy ở nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) được trang bị tốt hơn…

Song cũng xuất hiện những vấn đề khó khăn, phức tạp tác động không tốt đến chất lượng đào tạo. Một trong những nguyên nhân cơ bản đó là do chế độ tiền lương đối với đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp chưa đảm bảo để họ tái sản xuất sức lao động của mình, chưa tính đúng, tính đủ giá trị sức lao động cho đội ngũ này…

Những bất hợp lý trong chính sách tiền lương của đội ngũ giảng viên đã dẫn đến thu nhập ngoài lương phát triển tràn lan, thậm chí còn cao hơn nhiều so với tiền lương, các giảng viên không còn thời gian để học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ và nghiên cứu khoa học, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

Những bất cập trong chính sách tiền lương giảng viên GDNN hiện nay

Thứ nhất, tiền lương chưa đảm bảo tái sản xuất sức lao động của giảng viên

Tiền lương chưa đảm bảo tái sản xuất sức lao động ở nước ta là do xác định tiền lương tối thiểu chung quá thấp và lương khởi điểm của đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp là: 2,1 (thực hành) và 2,34 (lý thuyết) lần tiền lương tối thiểu chung, chưa phản ánh được tính chất phức tạp lao động của giảng viên so với lao động giản đơn.

Chế độ tiền lương như vậy đã không thực sự thu hút được đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp giỏi chuyên tâm với nghề giảng dạy của mình, làm rò rỉ chất xám, ngày càng bất lợi cho việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Một thực tế, hiện nay, nhiều CSGDNN để tăng thêm thu nhập cho đội ngũ giảng viên, các trường đều tuyển sinh các hệ ngắn hạn, liên thông, liên kết với doanh nghiệp, tham gia sản xuất, kinh doanh các dịch vụ.

Việc giảng dạy và lao động ở các loại hình này có thù lao cao nên tập trung hầu hết các giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi, trong khi đó các năm đầu của hệ chính quy chủ yếu do các giảng viên mới vào nghề đảm nhiệm, điều này làm cho chất lượng học tập của người học bị ảnh hưởng ngay từ khi vừa vào trường. Các giảng viên có trình độ chuyên môn cao khi giảng đủ số giờ chuẩn theo quy định, họ không nhận giảng ở những lớp hệ chính quy mà chỉ nhận giảng ở những lớp liên thông, liên kết, làm dịch vụ hoặc đi dạy thuê cho các trường khác để có thu nhập cao hơn.

Và cũng có không ít giảng viên tận dụng thời gian quy định cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, học tập bồi dưỡng vào việc giảng dạy nhằm mục đích tăng thu nhập… Tất cả những điều trên đây có nguyên nhân sâu xa là tiền lương chưa đảm bảo tái sản xuất sức lao động của đội ngũ giảng viên. Nguyên nhân trực tiếp là không ít giảng viên chỉ quan tâm tới số lượng giờ giảng, chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng giảng dạy; thêm vào đó là buông lỏng quản lý chất lượng đào tạo. Đó là những nguyên nhân đã làm cho chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở nước ta hiện nay nhiều cơ sở còn thấp, người học khi ra trường hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Thứ hai, Về hệ thống thang bảng lương

Hệ số lương trong bảng lương của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn chưa hợp lý. Hệ số tiền lương hiện nay chủ yếu chỉ dựa trên hình thức phân phối theo công việc. Việc gắn tiền lương với thâm niên công tác, tăng lương theo kiểu “đến hẹn lại lên” đã làm cho tiền lương không trở thành động lực khuyến khích đội ngũ giảng viên nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc, gây nên sự bất bình đẳng giữa người làm nhiều với người làm ít. Tác dụng khuyến khích vật chất, vai trò đòn bẩy của tiền lương bị hạn chế.

Bảng lương của giảng viên giáo dục nghề nghiệp chênh nhau giữa các bậc còn quá ít, ít có ý nghĩa khi nâng bậc. Chẳng hạn, ở ngạch giảng viên dạy lý thuyết, chênh lệch giữa một bậc lương hiện nay là 0,33 (tương đương 491.700 đồng/tháng). Một giảng viên cần mẫn cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 3 năm liên tục, sau khi được tăng lương thì mỗi năm thu nhập cũng chỉ tăng thêm 5.900.400 đồng. Trong khi đó giá cả tư liệu sinh hoạt liên tục tăng vọt, điều này đã làm giảm bớt động lực phấn đấu của đội ngũ giảng viên nói chung. Để tạo được sự thi đua phấn đấu, khoảng cách giữa mỗi bậc lương cần phải được tăng lên.

Bảng lương của đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp chưa thể hiện rõ sự đãi ngộ theo trình độ đào tạo, còn ảnh hưởng của chủ nghĩa bình quân. Điều này thể hiện ở chỗ: Người có bằng kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 trở lên nếu được bố trí giảng dạy ở trình độ cao đẳng sau thời gian tập sự đều được xếp mức lương khởi điểm là 2,34 mà không có sự phân biệt nào. Trong khi đó bằng cấp vốn xưa nay vẫn là cơ sở khoa học rõ ràng nhất để đánh giá chất lượng lao động.

Sự không phân biệt theo trình độ đào tạo trong trả lương thực tế đã không khuyến khích giáo viên phấn đấu nâng cao trình độ, kỹ năng nghề. Trong khi đó giáo dục nghề nghiệp rất cần có sự khuyến khích như vậy để nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo ra người lao động có phẩm chất đạo đức, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cao đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Thứ ba, về chế độ phụ cấp

Phụ cấp là để bổ sung cho tiền lương trong một số điều kiện đặc thù, chẳng hạn như trong điều kiện lao động khác biệt hay để khuyến khích phát triển một ngành nghề nào đó trong một giai đoạn thích hợp. Hiện nay, các giảng viên giáo dục nghề nghiệp ngoài việc được hưởng mức phụ cấp chung của Nhà nước như: phụ cấp theo điều kiện lao động, phụ cấp chức vụ (nếu có)… các giảng viên còn được hưởng phụ cấp giảng dạy (phụ cấp đặc thù theo ngành nghề). Phụ cấp này đang được thực hiện, nó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho giảng viên mà còn thể hiện rõ ràng sự ưu đãi của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đối với lao động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Phụ cấp này cũng sẽ tăng thêm sự khuyến khích đối với lao động đang làm việc trong CSGDNN và sẽ tăng sức hấp dẫn thu hút người giỏi vào làm việc trong các CSGDNN. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, mức phụ cấp 30% áp dụng đối với các giảng viên đang giảng dạy trong các CSGDNN như vậy là quá thấp, cần được nâng lên cao hơn để khuyến khích đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, trước đây các giảng viên giáo dục nghề nghiệp còn được hưởng phụ cấp thâm niên giảng dạy, gần đây phụ này không còn nữa. Tuy nhiên, do tính chất lao động sư phạm giáo dục nghề nghiệp phụ thuộc nhiều vào khả năng chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng nghề và phương pháp giảng dạy mà những khả năng này lại tăng lên cùng với thâm niên giảng dạy. Để khuyến khích người giáo viên gắn bó lâu dài với nghề thì việc áp dụng loại phụ cấp này là cần thiết.

Các khoản phụ cấp của giảng viên giáo dục nghề nghiệp hiện nay không được tính khi đóng bảo hiểm. Điều này có nghĩa là chỉ coi trọng đội ngũ giảng viên khi còn làm thầy. Khi đã nghỉ hưu thì cũng như những người làm trong các ngành khác, điều này rất thiệt thòi cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

Một số giải pháp hoàn thiện chính sách tiền lương giảng viên GDNN

a. Tính đúng, tính đủ giá trị sức lao động cho đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp

Tính đúng, tính đủ giá trị sức lao động của đội ngũ giảng viên GDNN có nghĩa là tiền lương mà đội ngũ giảng viên được hưởng phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động, đảm bảo cho người giảng viên đủ sống, nâng cao trình độ chuyên môn, tiền lương phải thực sự là bộ phận thu nhập chủ yếu của người giảng viên, phải gắn tiền lương với công việc, trách nhiệm và kết quả lao động của họ. Ngoài ra, tiền lương cần phải được tiền tệ hoá một cách triệt để, phải tính đúng, đủ giá trị về nhà cửa, điện, nước…, xoá bỏ hẳn các khoản bao cấp trong phân phối. Việc xác định tiền lương của đội ngũ giảng viên GDNN theo giá trị sức lao động cần đảm bảo yêu cầu:

– Tiền lương phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động của đội ngũ giảng viên.

– Tiền lương trả theo giá trị sức lao động phải thể hiện ở trình độ học vấn, tính chất lao động phức tạp của đội ngũ giảng viên. Tiền lương mà đội ngũ giảng viên được hưởng phải đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về ăn, ở, mặc, đi lại, chữa bệnh, học hành, sinh hoạt văn hoá, giao tiếp xã hội và một phần nuôi con. Đặc biệt, đối với những lao động phức tạp đặc thù như lao động của đội ngũ giảng viên GDNN thì chi phí cho việc học tập để nâng cao trình độ là vô cùng cần thiết. Những chi phí loại này bao gồm:

+ Chi phí học tập nâng cao trình độ chuyên môn để tiến kịp với sự phát triển khoa học công nghệ hiện đại của thế giới.

+ Chi phí phương tiện thu thập tài liệu phục vụ chuyên môn, máy tính, thiết bị, vật tư trong nghiên cứu và sản xuất.

+ Chi phí thời gian đi trải nghiệm thực tế sản xuất tại doanh nghiệp, tham gia hướng dẫn người học thực tập và nghiên cứu khoa học.

+ Chi phí học tập bồi dưỡng nâng cao bậc kỹ năng nghề, phương pháp giảng dạy.

Nhà nước cần nâng cao hơn nữa mức tiền lương tối thiểu chung. Mức lương tối thiểu chung của đề án cải cách tiền lương ở nước ta được xác định dựa trên cách tiếp cận từ điều tra tiền công, tiền lương trên thị trường là chủ yếu chứ chưa đưa ra được cách tiếp cận từ mức sống tối thiểu theo nhu cầu của con người. Do vậy, việc xác định mức lương tối thiểu thường không chính xác vì ở nước ta hiện nay, mức cung về sức lao động giản đơn luôn lớn hơn mức cầu về sức lao động giản đơn tạo ra xu hướng hạ thấp tiền lương của người lao động dưới giá trị sức lao động, và như vậy người lao động sẽ bị thiệt thòi khi mức lương tối thiểu quá thấp.

Việc xác định lương cho đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp cũng xuất phát từ mức lương tối thiểu chung nên nhìn chung còn thấp. Ta biết, lao động của đội ngũ giảng viên GDNN là lao động phức tạp, mà lao động phức tạp là bội số của lao động giản đơn, cho nên giá trị sức lao động của đội ngũ giảng viên được trả cao hơn nhiều lần giá trị sức lao động của lao động giản đơn, trình độ của lực lượng sản xuất càng cao thì bội số này càng phải lớn.

b.Thực hiện xã hội hoá giáo dục nghề nghiệp

Xã hội hoá giáo dục nghề nghiệp gắn với sự đóng góp của toàn xã hội cùng với chi ngân sách nhà nước nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp. Ở các CSGDNN công lập hiện nay, xã hội hoá mới chỉ được hiểu là người học phải đóng học phí. Thu học phí giúp thực hiện trả lương cho các nhà giáo theo khả năng thu của từng CSGDNN. Điều này đã làm cho các CSGDNN tìm cách mở rộng các hệ đào tạo, loại hình đào tạo và quy mô đào tạo. Việc thu học phí của người học trong các CSGDNN công lập là cần thiết, song huy động ở mức độ nào là tuỳ thuộc vào khả năng cân đối NSNN và khả năng đóng góp của các tầng lớp nhân dân.

Để khắc phục tình trạng chạy theo số lượng giờ giảng của giảng viên, đảm bảo cân đối trong việc thực hiện nhiệm vụ của người giảng viên giáo dục nghề nghiệp: giảng dạy, học tập bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học,.. Nhà nước phải tính đúng giá trị sức lao động của đội ngũ giảng viên, các loại phụ cấp phù hợp, từ đó xác định tổng quỹ lương cho đội ngũ giảng viên ở các CSGDNN công lập. Đối chiếu với khả năng chi trả lương của NSNN được bao nhiêu, thiếu bao nhiêu thì huy động qua học phí. Số thu học phí của các CSGDNN phải nộp vào NSNN qua kho bạc nhà nước, chấm dứt tình trạng CSGDNN nào thu được nhiều thì chi nhiều như hiện nay.

c. Hoàn thiện lương khởi điểm thang, bảng lương và chế độ phụ cấp cho đội ngũ giảng viên

Một là, lương khởi điểm của giảng viên giáo dục nghề nghiệp: Theo Thông tư số 12/2019/TT-BLĐTBXH Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành về việc hướng dẫn chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp thì hệ số lương khởi điểm của các giảng viên GDNN lý thuyết là 2,34; giảng viên GDNN thực hành là 2,1 đây là hệ số lương được áp dụng chung cho cán bộ, công chức, viên chức. Hệ số lương khởi điểm như vậy là còn thấp đối với các giảng viên GDNN. Nhà nước nên tăng hệ số lương khởi điểm của các giảng viên GDNN từ 2,1 lên 3,1(dạy thực hành) và từ 2,34 lên 3,34 (dạy lý thuyết) vì đây chính là tiền lương trả cho sự thành đạt của công việc mà một giảng viên GDNN có được. Để là một giảng viên GDNN ngoài các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, thì bắt buộc phải giảng viên phải có kỹ năng nghề bậc 3 trở lên có kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, mức lương khởi điểm 3,1 và 3,34 cũng chính là phần thưởng giành cho các giảng viên trực tiếp giảng dạy. Với hệ số lương khởi điểm là như vậy giúp cho các giảng viên mới vào trường yên tâm phần nào với đời sống của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học…

Hai là, cách thiết kế các bậc lương và khoảng cách giữa các bậc. Đối với ngạch thấp của giảng viên GDNN nên nghiên cứu số bậc và thời hạn nâng bậc thích hợp, khắc phục tình trạng hết bậc khi còn độ tuổi lao động và đối với ngạch lương cao nên rút ngắn số bậc để hạn chế bậc lương treo.

Xác định số bậc trong một thang lương: Tuổi viên chức bắt đầu có thể được hưởng lương bậc 1 trung bình từ 21-24. Tuổi nghỉ hưu của nam giới là 62, nữ là 60 (chưa kể giảng viên là TS, GS, PGS được cộng thêm 5 năm). Thời gian công tác của viên chức trung bình từ 36-38 năm.

Việc xác định số bậc lương làm sao để mỗi giảng viên làm việc bình thường thì khi đến 60 tuổi đạt được bậc lương cuối cùng. Nếu làm việc xuất sắc, được nâng bậc lương sớm thì có thể đạt đến bậc lương cuối cùng sớm hơn. Mọi giảng viên có thể yên tâm với ngạch lương của mình khi họ không muốn hoặc không có đủ điều kiện để phấn đấu lên ngạch trên, từ đó giảm sức ép nâng ngạch.

Ba là, xếp lương cao hơn một bậc trở lên cho những giảng viên đạt trên chuẩn trình độ quy định của Luật giáo dục nghề nghiệp.

Theo chế độ tiền lương hiện nay giảng viên có trình độ khác nhau đều xếp chung vào một ngạch lương. Thực tiễn hiện nay có khoảng 15% – 20% giảng viên đạt chuẩn trên đào tạo, nhiều CSGDNN giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên là hơn 70%, nhiều CSGDNN hiện nay chỉ tuyển giảng viên mới đối với những người đã có bằng thạc sĩ, vậy mà khi xếp lương cũng chỉ xếp cùng bậc với người có trình độ chuẩn: tốt nghiệp đại học. Điều này là không hợp lý, không tính đúng giá trị sức lao động theo chất lượng lao động, trình độ lao động, nên đã không khuyến khích giảng viên học tập nâng cao trình độ. Do vậy, những giảng viên có trình độ trên chuẩn được xếp cao hơn một bậc lương trở lên so với người đạt chuẩn. Chẳng hạn, cách xếp ở ngạch lương GDNN như sau:

– Nếu giảng viên vừa ra trường đạt trình độ đại học phù hợp với chuyên ngành giảng dạy, có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 3 thì được hưởng mức lương: 85% x bậc 1.

– Nếu giảng viên đạt trình độ thạc sĩ, có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 3 khi giảng dạy sẽ được hưởng: 85% x bậc 2.

– Nếu giảng viên là tiến sĩ, có chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 3 trở lên thì khi giảng dạy sẽ được hưởng mức lương: 85% x bậc 3.

Thực hiện được như phương án này thì vừa thể hiện được tính chất công việc, phân phối theo lao động, đồng thời vừa thể hiện được cả trình độ đào tạo, khuyến khích các giảng viên phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Nếu các giảng viên được đào tạo và được cấp bằng có học vị cao hơn, theo đúng chuyên ngành, chuyên môn đang đảm nhiệm sẽ được nâng lên 1 bậc lương so với lương hiện hưởng để bù lại điểm xuất phát thấp hơn.

– Bốn là chế độ phụ cấp. Về nguyên tắc những yếu tố nào chưa được tính trong các mức lương thuộc thang bảng lương, nhưng lại rất cần để động viên giảng viên yên tâm, tận tụy với sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp thì được đưa vào các chế độ phụ cấp. Trong điều kiện như vậy, đối với các giảng viên giáo dục nghề nghiệp, chúng ta thấy cần thực hiện các loại phụ cấp sau:+

– Chế độ phụ cấp thâm niên: Loại phụ cấp này đang được áp dụng, gần đây và sắp tới loại phụ cấp này không còn nữa. Tuy nhiên, do tính chất rất đặc thù của lao động sư phạm nghề nghiệp là chất lượng công việc phụ thuộc nhiều vào khả năng chuyên môn, kỹ năng nghề, kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy mà những khả năng này lại tăng lên cùng với thâm niên giảng dạy. Vì vậy, để khuyến khích đội ngũ giảng viên gắn bó lâu dài với nghề thì rất cần áp dụng chế độ phụ cấp này. Về đối tượng và mức độ phụ cấp đề nghị thực hiện như sau:

+ Đối tượng: Giảng viên đang giảng dạy và cán bộ quản lý nguyên là giảng viên.

+ Mức phụ cấp: Từ 5% đến 30% của lương cơ bản cộng phụ cấp chức vụ nếu có.

+ Cách tính: Giáo viên có thâm niên giảng dạy đủ 5 năm hưởng 5%, sau đó cứ mỗi năm tăng lên 1% và tối đa không quá 30%. Phụ cấp thâm niên này được tính để đóng bảo hiểm xã hội.

– Phụ cấp ưu đãi đối với giảng viên trực tiếp giảng dạy: Phụ cấp này đang được thực hiện và nên được duy trì vì nó không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho giảng viên, thu hút được những giảng viên giỏi vào trường mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ với chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.

Về đối tượng được hưởng, chỉ áp dụng đối với người trực tiếp giảng dạy. Đó là vì hoạt động giáo dục nghề nghiệp mới là hoạt động đặc thù cần được khuyến khích trực tiếp trong nội bộ ngành để người dạy giỏi yên tâm và tâm huyết với công việc giảng dạy là loại lao động chính trong ngành.

Tuy nhiên, trong trường hợp giảng viên được cử đi học nâng chuẩn theo yêu cầu và chỉ tiêu kế hoạch, được cấp quản lý có thẩm quyền cho phép thì nên để đối tượng này được hưởng phụ cấp ưu đãi để động viên, khuyến khích và giảm bớt khó khăn cho người đi học. Chính sách này sẽ là động lực cho người đi học để nâng cao chất lượng đội ngũ. Ngoài ra, để đảm bảo đời sống cho đội ngũ giảng viên, giúp họ yên tâm với nghề cần chú ý chế độ phụ cấp cho những nơi làm việc với điều kiện khó khăn, phụ cấp đắt đỏ.

– Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giảng viên giáo dục nghề nghiệp: Phụ cấp này đang được thực hiện theo Nghị định 113/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành và nên được tính để đóng bảo hiểm xã hội cho giảng viên.

d. Đảm bảo sự bình đẳng giữa giảng viên GDNN với cán bộ lãnh đạo quản lý trong chế độ BHXH

 Hiện nay, ở nước ta có nghịch lý trong chính sách tiền lương: những giảng viên giáo dục nghề nghiệp khi còn giảng dạy họ được hưởng lương và các khoản phụ cấp ưu đãi của xã hội. Nhưng họ không được đóng bảo hiểm xã hội theo tổng thu nhập, nên khi nghỉ hưu, thu nhập từ tiền lương hưu bị tụt xuống quá xa so với thu nhập khi còn giảng dạy, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn lúc nghỉ hưu.

Hơn nữa, việc không tính các phụ cấp ưu đãi cho giảng viên giáo dục nghề nghiệp khi đóng bảo hiểm, lúc nghỉ hưu cũng không đảm bảo công bằng xã hội, gây ra tâm lý nặng nề cho giảng viên đến tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, cần phải có chế độ bảo hiểm xã hội đối với đội ngũ giảng viên được đóng từ lương và phụ cấp ưu đãi.

Kết luận 

Tiền lương luôn là một vấn đề mới, rất nhạy cảm bao trùm toàn xã hội. Tiền lương ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người làm công ăn lương, nhất là đối với giảng viên giáo dục nghề nghiệp. Chất lượng nguồn nhân lực lại phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, phải đảm bảo những điều kiện vật chất cần thiết để phát triển, nâng cao chất lượng dạy-học nghề của cả thầy và trò. Một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy của các giảng viên, giúp cho các giảng viên yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ: giảng dạy, học tập bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học đó chính là chế độ tiền lương.

Với ý nghĩa để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ giảng viên, để họ yên tâm công hiến cho sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng giảng dạy thông qua chính sách tiền lương, tác giả nêu ra những bất cập trong chính sách tiền lương và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện để đội ngũ giảng viên GDNN phải được trả lương tương ứng với sức lực và khả năng đóng góp của họ, tạo điều kiện cho họ cống hiến và không bị giới hạn bởi khả năng thu nhập của mình.

Nguyễn Văn Hùng

Hiệu trưởng CĐN Công nghiệp Thanh Hóa

Tài liệu tham khảo

[1]. Luật Giáo dục nghề nghiệp, 2014.

[2]. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp

[3]. Nghị định 113/2015/NĐ-CP ngày 09/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

[4]. Thông tư số 12/2019/TT-BLĐTBXH ngày 12/8/ 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động– Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.

[5]. Giáo trình lý thuyết tiền lương, (2016) Đại học Lao động-Xã Hội.

[6]. Thông tư số 12/2019/TT-BLĐTBXH ngày 12/8/ 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động– Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.

[7]. Thông tư số 12/2019/TT-BLĐTBXH ngày 12/8/ 2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động– Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp.

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.07222 sec| 708.813 kb