Chiến lược GDNN đến 2030: Gắn kết với DN, ứng dụng CNTT mạnh mẽ

Ngày 9-10/4, tại Thanh Hoá đã diễn ra tọa đàm khoa học về các nội dung của dự thảo “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo do Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức với mục đích lắng nghe các ý kiến đóng góp để sớm hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược này. 

Doanh nghiệp là nhà trường thứ 2

Theo đánh giá của Dự thảo, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã đạt được nhiều kết quả như ngành nghề đa dạng, sát thực tế, cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo chuyển biến tích cực, đổi mới cơ chế quản lý, hợp tác quốc tế…

[caption id="attachment_18235" align="aligncenter" width="960"]Chiến lược GDNN đến 2030: Gắn kết với DN, ứng dụng CNTT mạnh mẽ Nguyên Bộ trưởng LĐ-TB&XH, nguyên Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXHVN Nguyễn Thị Hằng đóng góp ý kiến vào bản Chiến lược[/caption]

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế như mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn nhưng phần nhiều chưa hiện đại, nhất là các điều kiện đảm bảo chất lượng; quản trị còn lạc hậu, kém hiệu quả. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm, kỹ năng khởi nghiệp…

Dự thảo nêu một số yêu cầu cần đổi mới để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, trong đó nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn vào quản lý, điều hành và tổ chức. Cụ thể, phải tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo.

[caption id="attachment_18236" align="aligncenter" width="958"]Chiến lược GDNN đến 2030: Gắn kết với DN, ứng dụng CNTT mạnh mẽ Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH VN Dương Đức Lân phát biểu tại hội thảo[/caption]

Tiếp đó là phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt.

Thứ ba là chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, doanh nghiệp phải là nhà trường thứ hai.

Thứ tư là đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó tự chủ tài chính các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là xu thế không thể đảo ngược.

Cuối cùng, để phát triển giáo dục nghề nghiệp, Dự thảo xác định chuyển đổi số, ứng dụng CNTT mạnh mẽ hơn nữa trong quản lý, điều hành và tổ chức đào tạo…

Nâng cao năng suất lao động

Dự thảo dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới đến năm 2035, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao (năm 2035) hoặc thu nhập cao (2045).

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy năng suất lao động là nhân tố cơ bản. Có nhiều yếu tố làm tăng năng suất lao động nhưng một yếu tố rất cơ bản là phải có một đội ngũ lao động có trình độ, có kỹ năng, có năng lực hấp thụ khoa học công nghệ tiên tiến và hiện đại.

Như vậy, Dự thảo xác định, để phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề không chỉ đơn thuần là vấn đề giáo dục (kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp) mà đằng sau đó là vấn đề kinh tế (góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng GDP).

[caption id="attachment_18237" align="aligncenter" width="960"]Chiến lược GDNN đến 2030: Gắn kết với DN, ứng dụng CNTT mạnh mẽ Lao động có kỹ năng ngày nay được coi như đơn vị tiền tệ mới trong thị trường lao động toàn cầu” – Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng.[/caption]

“Những hạn chế về ngoại ngữ và kỹ năng mềm phải được khắc phục trong thời gian tới. Lao động có kỹ năng ngày nay được coi như đơn vị tiền tệ mới trong thị trường lao động toàn cầu’ – ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nói.

“Theo nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế, do khoảng cách ngày càng tăng giữa kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại và kỹ năng mà các doanh nghiệp cần để thích ứng với thay đổi công nghệ và thị trường, 6% GDP của thế giới tương đương với 5.000 tỉ USD bị mất đi mỗi năm. Ở chiều ngược lại, nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị kỹ năng nghề thế giới năm 2019 cho thấy phát triển kỹ năng lấy con người là trung tâm có thể thúc đẩy GDP tăng trưởng thêm từ 0,5 – 2%”, ông Dũng nói thêm.

Trong bối cảnh đó, “Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra nhiều mục tiêu và giải pháp để phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đó là tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách phát triển GDNN; Đổi mới quản trị hệ thống giáo dục nghề nghiệp; Tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động và phát triển bao trùm; Hoàn thiện, nâng cao các yếu tố bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Thực hiện chuyển đối số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động đào tạo; Tăng cường nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp…

Theo số liệu của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, tính đến hết năm 2020 cả nước có 1.909 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 399 trường cao đẳng, 458 trường trung cấp và 1.052 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, phấn đấu đến năm 2030 hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và đến năm 2045, đạt trình độ các nước công nghiệp mới G20.

Mạnh Cường

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.14149 sec| 660.539 kb