Chiều 26/2 tại Hà Nội, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) đã tổ chức công bố Báo cáo Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam 2019 và Bản tin chắt lọc chính sách lao động và xã hội 2019.
Báo cáo Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam 2019 là ấn phẩm thường niên xuất bản lần thứ 9 của Viện Khoa học Lao động và Xã hội. Báo cáo năm 2019 tiếp tục phân tích, đánh giá các vấn đề về lao động và xã hội giai đoạn 2009 -2018 và dự báo xu hướng giai đoạn 2019 – 2021.
[caption id="attachment_12802" align="aligncenter" width="650"] TS. Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phát biểu tại buổi công bố[/caption]Báo cáo gồm 9 chương, trong đó bao quát các vấn đề của ngành LĐ-TB&XH như: dân số, lao động, việc làm; tiền lương, năng suất lao động; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp; giảm nghèo; trợ giúp xã hội; bình đẳng giới; bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Giới thiệu tóm tắt về các nội dung này, TS. Chử Thị Lân – Giám đốc Trung tâm Môi trường và Điều kiện lao động cho biết: Đánh giá xu hướng lao động và xã hội đến năm 2021 có thể thấy, quy mô dân số cả nước sẽ tiếp tục tăng với tốc độ bình quân 1,07%/năm trong giai đoạn 2019 -2021. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số từ 15 tuổi trở lên giảm nhẹ, 76,06% năm 2019 và 75,48% năm 2021. Quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tăng lên 55,76 triệu người năm 2019 và 56,62 triệu người năm 2021. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ đạt 23,14% năm 2019 và 25,82% năm 2021.
Năm 2019, tiền lương danh nghĩa bình quân của lao động làm công hưởng lương đạt 6,15 triệu đồng/tháng và tăng lên 6,53 triệu đồng vào năm 2021. Khoảng cách tiền lương bình quân giữa ngành nông lâm thủy sản và ngành công nghiệp, dịch vụ vẫn khá lớn. Khoảng cách này lần lượt trong năm 2019 là 64,32% và 57,73%; dự báo đến năm 2021, khoảng cách này sẽ là 63,51% và 57,50%.
Về BHXH và BHTN, theo TS. Chử Thị Lân, dự báo giai đoạn 2019 – 2021, số người tham gia BHXH tăng thêm bình quân 1,2 triệu người/năm, thêm khoảng 90,3 nghìn người hưởng chế độ hưu trí mỗi năm và số người tham gia BHTN tăng bình quân mỗi năm gần 740 nghìn người.
Nghiên cứu điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và căn cứ chuẩn nghèo áp dụng cho từng thời kỳ; tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh mở rộng diện đối tượng hưởng, ưu tiên hỗ trợ đối với các nhóm yếu thế vùng sâu, vùng sa, dân tộc thiểu số; đa dạng hóa các loại hình trợ giúp xã hội và tăng cường các dịch vụ phúc lợi xã hội.
TS. Đào Quang Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội khẳng định, Báo cáo Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam 2019 thực sự là tài liệu tham khảo có giá trị của các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và cộng đồng doanh nghiệp.
PHƯƠNG MINH
Bình luận
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm