Đào tạo nghề theo thế mạnh địa phương để nâng cao hiệu quả

Đào tạo nghề theo thế mạnh địa phương để nâng cao hiệu quả
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, những năm qua, nhiều địa phương đang chủ động khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động để mở các lớp dạy nghề cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu của người học và các đơn vị tuyển dụng lao động.

Với đặc thù là huyện thuần nông, trên 80% lao động nông thôn ở Đại Từ (Thái Nguyên) đang làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Vì vậy, huyện đang dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ triển khai các chương trình đào tạo nghề, trang bị kiến thức cho người nông dân.

Dạy nghề theo nguyện vọng

Kể từ năm 2015 đến nay, huyện Đại Từ đã tổ chức, phối hợp tổ chức trên 300 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung chủ yếu vào các nghề như trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản chè, kỹ thuật trồng rau an toàn, nuôi ong lấy mật, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi…

Sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, người dân đã bước đầu thay đổi tư duy, từng bước đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tự tin chuyển đổi sản xuất, khởi nghiệp làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Đáng chú ý, bên cạnh các chương trình đào tạo nghề của cơ quan chức năng, các địa phương trong huyện đã chủ động phối hợp với các HTX, doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề cho lao động tại chỗ.

Điển hình như tại xã Bình Thuận, HTX Thanh Bình đang có đóng góp tích cực trong công tác đào tạo nghề trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản chè, góp phần nâng cao giá trị của loại cây trồng mũi nhọn của địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Cụ thể, kể từ khi thành lập đến nay, HTX đã tổ chức tập huấn cho hơn 100 hộ nông dân trồng chè trong và ngoài xã. Ngoài việc xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn, chuyển giao các công nghệ mới vào sản xuất, HTX còn hỗ trợ thành viên về kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại thảo mộc có lợi cho môi trường sinh thái.

Cùng với nâng cao chất lượng đào tạo các nghề nông nghiệp, huyện Đại Từ còn mở thêm nhiều ngành nghề phi nông nghiệp như sửa chữa máy móc, may mặc, điện tử, điện lạnh, tin học văn phòng, hàn điện… tạo ra cơ hội việc làm cho hàng nghìn người.

Điển hình, vào năm 2016, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Nguyễn Thị Linh, xóm Đại Quyết, xã Tiên Hội quyết định đăng ký theo học lớp đào tạo nghề may sơ cấp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mở tại xã.

Tham gia lớp học, chị Linh và gần 40 học viên khác đều được miễn 100% học phí và hỗ trợ tiền ăn (30 nghìn đồng/người/ngày). Sau 3 tháng đào tạo, những học viên đủ điều kiện được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề may và được giới thiệu vào làm việc ngay tại Công ty TNG - chi nhánh Đại Từ.

Có thể thấy, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện Đại Từ đang có được những kết quả tích cực. Kể từ năm 2016 đến nay, huyện đã thực hiện đào tạo nghề cho trên 8.800 học viên, trong đó số học viên được đào tạo các nghề phi nông nghiệp chiếm đến 84%.

Nâng "chất" nghề truyền thống

Tương tự, những năm qua, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) cũng là một trong những địa phương dành nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho công tác đào tạo nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, huyện đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, huy động sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng địa phương đối với công tác dạy nghề và không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng các biện pháp như đổi mới chương trình dạy nghề, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy nghề cho lao động nông thôn.

Song song đó, huyện quan tâm, tạo điều kiện, có chủ trương ban hành cơ chế chính sách thu hút các HTX, doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn hoạt động sản xuất, kinh doanh; tham gia đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Phú Xuân là một trong những địa phương có nhiều nghề truyền thống nổi bật ở Thọ Xuân, với các sản phẩm nức tiếng như kẹo lạc, chè lam dẻo, miến gạo… Những năm qua, nhờ làm tốt công tác giữ nghề, dạy nghề, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã vẫn đang ngày đêm “đỏ lửa”.

Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào thời tiết, những năm gần đây, nhiều hộ làm nghề miến ở Phú Xuân đã chủ động tham gia các khóa tập huấn, dạy nghề của địa phương để nâng cao trình độ kỹ thuật, ứng dụng hiệu quả các loại máy móc, phương tiện hiện đại.

Bà Trịnh Thị Tiệp, thôn Phú Cường, người có 25 năm gắn bó với nghề làm kẹo lạc, cho biết hững năm gần đây, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, những hộ làm kẹo ở Phú Xuân đã chủ động “nâng cấp” cơ sở lên doanh nghiệp, hoặc liên kết thành lập tổ hợp tác.

Các tổ hợp tác, doanh nghiệp không chỉ tích cực tập huấn kỹ thuật cho các thành viên nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng loại hình sản phẩm kẹo, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, mà còn đang rất tích cực phối hợp với địa phương trong việc giữ nghề, truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ, một lực lượng giàu sức sáng tạo và năng động hơn.

Những kết quả từ thực tế cho thấy việc chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - , tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động khu vực nông thôn. Theo đó, thời gian tới, các địa phương cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành, tạo điều kiện để các HTX, doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề.

Theo: Vnbusiness

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.09965 sec| 662.031 kb