Để doanh nghiệp 'săn lùng' học sinh trường nghề

Công tác phân luồng nặng hình thức, trường nghề tràn lan, thiếu chính sách thu hút việc làm... là những rào cản khiến chất lượng dạy nghề cho học sinh sau lớp 9 thấp.

[caption id="attachment_10622" align="alignnone" width="800"]Để doanh nghiệp 'săn lùng' học sinh trường nghề Học sinh lớp trung cấp nghề sau THCS tại Trường CĐ Lý Tự Trọng, quận Tân Bình, TP.HCM.[/caption]

Theo đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh (HS) trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 của Chính phủ, đến năm 2020 cả nước phấn đấu ít nhất 30% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến năm 2025 là 40%.

Chủ động kết nối doanh nghiệp, đổi mới đào tạo

Để thu hút HS sau lớp 9 vào học nghề, ngoài chính sách từ Nhà nước về miễn học phí, được liên thông lên CĐ... nhiều trường nghề tại TP.HCM những năm gần đây cũng đã chủ động có nhiều giải pháp đổi mới để đạt chất lượng đầu vào lẫn đầu ra.

Từ hai năm nay, Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM không chỉ cung ứng việc làm trong nước đến HS mà còn chú trọng kết nối doanh nghiệp để đưa HS đi làm việc ở nước ngoài. Ông Phạm Đức Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường đang hợp tác với một số đối tác ở Nhật Bản. Vừa qua, 13 HS của trường tốt nghiệp được chọn đi làm với mức lương 1.200 USD/tháng.

Theo ông Khiêm, hướng đi này để nâng giá trị nghề trung cấp vì nhu cầu lao động hệ này ở nước ngoài rất lớn. Từ đó trường khuyến khích các em ban ngày học chuyên môn, buổi tối học thêm tiếng Nhật. “Học phí mỗi em chỉ cần đóng 1 triệu đồng. Trong thỏa thuận, phía Nhật sẽ gửi lại 30% chi phí điện, nước cho trường nhưng trường dành số tiền đó làm học bổng để khuyến khích các em học khi được công nhận. Sau đó phía Nhật sẽ sang tuyển dụng, em nào được chọn sẽ học thêm một khóa văn hóa Nhật, được khám sức khỏe rồi đi Nhật làm việc” - ông Khiêm nói.

Nhờ cách làm này mà hai năm nay trường đã kéo giảm từ 40% xuống còn 10% số em bỏ học giữa chừng.

Tương tự, một trong những giải pháp khiến Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng hằng năm tuyển sinh đều vượt chỉ tiêu và có HS bỏ học thấp là do giải quyết được việc làm cho HS sau khi ra trường.

Theo ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng nhà trường, trường đã chủ động tìm và ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp để cung ứng việc làm cho HS. Hằng năm trường thu hút khoảng 2 tỉ đồng hỗ trợ từ doanh nghiệp bằng học bổng, thiết bị..., thậm chí doanh nghiệp đến đặt lao động và họ chấp nhận trả học phí để trường đào tạo.

Để nâng chất lượng, nhà trường mời doanh nghiệp vào xây dựng chương trình học, đưa giáo viên đến doanh nghiệp thực tập để cập nhật kiến thức, HSSV có nơi thực tập thực tế...

Đó cũng là cách làm của Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương nên mỗi năm doanh nghiệp đặt hàng hơn 1.000 vị trí việc làm cho trường.

Cần quy hoạch trường lớp, đổi mới hướng nghiệp

Ông Trần Anh Tuấn (Phó Viện trưởng, Giám đốc chương trình dự báo nguồn nhân lực, Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế) cho rằng công tác hướng nghiệp và tuyển sinh hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc “lùa” các em rớt lớp 10 công lập vào học nghề. Trường nghề thì có nghề nào dạy nghề đó, miễn là có HS, nhất là các trường trung cấp thuộc quận, huyện.

Theo ông Tuấn, đề án phân luồng của Chính phủ là đúng đắn nhưng cần có giải pháp cụ thể. Nhà nước cần phải chú trọng công tác phân luồng gắn liền với hướng nghiệp xuyên suốt quá trình học của HS ở THCS, tăng cường bồi dưỡng, đào tạo giáo viên tư vấn nghề.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, các trường trung cấp nhiều nhưng đa phần yếu, nghèo nàn, không đầu tư đi cơ sở để quảng bá cho người học, cơ sở thì xuống cấp, giáo viên không có...“Nên quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, tạo nên những trường thật mạnh theo từng nhóm ngành để chất lượng đào tạo đến nơi đến chốn và cũng giúp công tác hướng nghiệp cho HS tốt hơn là mỗi trường mỗi kiểu như hiện nay” - ông Tuấn đề xuất.

Ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng phòng đào tạo, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương, cho rằng nên giao trách nhiệm hướng nghiệp ở THCS cho các trường nghề có chất lượng để phối hợp dạy xuyên suốt cùng các trường. Vì công việc này đòi hỏi người có kiến thức chuyên sâu tổng quát về nghề nên nếu giao cho giáo viên THCS là không hiệu quả.

Ở một góc độ khác, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng ông Phạm Hữu Lộc cũng kiến nghị cần nới rộng chủ trương liên thông cho HS trung cấp lên ĐH bằng việc công nhận văn hóa và bằng CĐ cho các em. “Các em đã học yếu văn hóa mới chọn đi học nghề nhưng khi cần liên thông nâng trình độ lại phải học cả nghề lẫn văn hóa để đi thi là quá áp lực” - ông Lộc kiến nghị.

Phạm Anh

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.03316 sec| 656.398 kb