Điểm sáng Như Xuân: lao động nông thôn vững bước nhờ học nghề

Điểm sáng Như Xuân: lao động nông thôn vững bước nhờ học nghề
Trong 3 năm qua, huyện Như Xuân đã mở được hơn 30 lớp dạy nghề, thu hút hơn 1.500 học viên, với các nghề như điện công nghiệp, điện dân dụng, công nghệ may, công nghệ ô tô, hàn điện, chăn nuôi gia cầm, v.v.

Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, thời gian qua, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã chủ động kết nối các cơ sở đào tạo với các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tạo sức lan tỏa, tăng cơ hội việc làm cho lao động sau khi học nghề.

Dạy nghề hiệu quả

Kết quả, trong 3 năm qua, huyện Như Xuân đã mở được hơn 30 lớp dạy nghề, thu hút hơn 1.500 học viên, với các nghề như điện công nghiệp, điện dân dụng, công nghệ may, công nghệ ô tô, hàn điện, chăn nuôi gia cầm…

Đáng chú ý, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn ở Như Xuân còn có dấu ấn tích cực từ các HTX. Điển hình như HTX Hóa Quỳ, xã Hóa Quỳ, đang là mô hình kinh tế tiêu biểu ở huyện Như Xuân đồng hành cùng người nông dân trong phát triển kinh tế.

Hiện, HTX kinh doanh ở 17 ngành nghề, dịch vụ, trong đó chủ lực phát triển ở lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp như tổ chức sản xuất, cung cấp vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nguồn giống, phân bón…

Để phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động cho thành viên, HTX nông nghiệp Hóa Quỳ thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn và tham quan mô hình về chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Anh Phạm Văn Dũng, thôn Tân Thịnh, xã Hóa Quỳ cho biết, những năm trước gia đình anh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cả gia đình tập trung khai hoang, cải tạo vườn tạp, song trồng cây gì cũng khó phát triển, lợi nhuận vô cùng bấp bênh.

Từ khi có HTX Hóa Quỳ hỗ trợ vốn, kỹ thuật, vật tư và đầu ra, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trang trại nuôi hàng nghìn con gà thịt và trồng hơn 200 gốc bưởi Diễn. Hàng năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi 120 triệu đồng. Từ một hộ nghèo đến nay gia đình anh đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.

Theo đại diện Phòng LĐTB&XH huyện Như Xuân, để công tác đào tạo nghề đi vào thực chất và phát huy hiệu quả như hiện tại, huyện đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - rà soát, thống kê nhu cầu học nghề theo từng lĩnh vực cụ thể, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, dạy nghề dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động.

Tương tự, sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác đang giúp công tác đào tạo nghề nông thôn trên địa bàn huyện Kiến Xương (Thái Bình) đạt được nhiều kết quả tích cực.

Điển hình, HTX thủ công mỹ nghệ Mây tre đan Thanh Tân, xã Thanh Tân đang là một trong những điển hình trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn huyện Kiến Xương. Những năm qua, HTX đã kết hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Hội phụ nữ xã để tổ chức lớp học, truyền nghề cho hàng trăm lao động.

Người dân vững bước

Bà Nguyễn Thị Doan, Giám đốc HTX Thanh Tân cho hay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ mây, tre ở trong và ngoài nước ngày một tăng nên việc tiêu thụ sản phẩm của HTX cũng thuận lợi hơn.

Trước đây, HTX chỉ có 3 - 5 lao động, chủ yếu là những người thân quen làm việc, thì đến nay đã thu hút được 60 thành viên, đồng thời liên kết với lao động trong xã và các địa phương lân cận cùng sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Hiện, thành viên và người lao động trong HTX có độ tuổi chủ yếu từ 30 - 45, một số phụ nữ lớn tuổi nhưng có kinh nghiệm cũng được nhận vào làm. Lực lượng tham gia sản xuất không chỉ trên địa bàn xã, mà còn mở rộng thu hút lao động của các xã khác trong huyện.

Người lao động HTX Thanh Tân từ chỗ có thu nhập chỉ từ vài trăm nghìn đồng/tháng, đến nay đã tăng lên 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của HTX đạt từ 4 - 5 tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Kiến Xương, khu vực kinh tế hợp tác, với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn đang có những bước tiến vượt bậc, đóng góp tích cực vào công tác dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Toàn huyện Kiến Xương hiện có gần 40 HTX hoạt động hiệu quả, bình quân mỗi HTX có 1.000 - 2.000 lao động thành viên, hộ liên kết.

Cũng có những thành công tích cực trong công tác đào tạo nghề, những năm qua, xã Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) đã chủ động tổ chức hoạt động dạy nghề theo nhu cầu. Bên cạnh dạy nghề nông nghiệp, trong bối cảnh đất sản xuất ngày càng bị thu hẹp, xã Tam Giang đang tranh thủ nhiều nguồn lực để đào tạo các nghề phi nông nghiệp, đồng thời liên kết với các HTX, doanh để giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo.

Điển hình như mô hình đào tạo nâng cao tay nghề mây tre đan đã thu hút hàng trăm lao động học nghề trong 3 năm qua. Trong thời gian 2 tháng, học viên được học lý thuyết và thực hành về kỹ thuật làm mây tre, từ khâu chế biến nguyên liệu đến khâu làm khung, đan lát, xử lý kỹ thuật, tiếp cận những kỹ thuật và những sản phẩm mới về mây tre đan để cho ra đời các sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng trong nước và xuất khẩu.

Theo UBND xã Tam Giang, trong thời gian tới, mục tiêu của xã là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 70%, 100% lao động được đào tạo sẽ có việc làm ổn định, lâu dài. Trong thời gian dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, xã tạo điều kiện cho người lao động tham gia học nghề trực tuyến, qua các kênh thông tin.

Theo: Vnbusiness

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.69379 sec| 669.102 kb