Du lịch Việt vẫn đau đầu với bài toán nhân lực

Du lịch Việt vẫn đau đầu với bài toán nhân lực
Trước đòi hỏi cấp bách của việc bổ sung nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực, một số công ty lữ hành đã “bắt tay” với các trường có chuyên ngành du lịch để hợp tác đào tạo, tìm nguồn cung cấp nhân lực mới.

Sau thời gian chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, ngành du lịch bước vào giai đoạn phục hồi, nhưng đang phải đối mặt với thách thức thiếu hụt, không đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực.

Thiếu hụt nhân sự

Thông tin của Tổng cục Du lịch, 8 tháng năm 2022, du lịch nội địa bùng nổ đạt xấp xỉ 80 triệu lượt khách, vượt kế hoạch đề ra đón 60 triệu lượt khách. Tuy nhiên, Việt Nam nằm trong top những nước mất nhiều nhân sự ngành du lịch do dịch Covid-19.

Theo kết quả khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, có tới 18% số DN đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% DN cho từ 50 - 80% nhân viên nghỉ việc. Thống kê của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, tính đến hết năm 2019, ngành du lịch Thủ đô có khoảng 90.500 lao động trực tiếp và khoảng 207.500 lao động gián tiếp, nhưng hiện số lao động tạm thời nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động tại các DN du lịch, khách sạn lên đến 50 - 90%.

Tại hội thảo “Giải pháp thu hút, phát triển nguồn nhân lực ngành khách sạn - kiến tạo môi trường làm việc hấp dẫn nhân viên ngành khách sạn” do CLB Quản lý Buồng Việt Nam (Hiệp hội Khách sạn Việt Nam) vừa tổ chức, Chủ tịch CLB Quản lý Buồng Việt Nam Nguyễn Quang nhấn mạnh, hiện các DN du lịch đang gặp thách thức thiếu nhân lực.

Thời điểm năm 2019, trước dịch bệnh, toàn ngành có khoảng 4,5 triệu lao động, trong đó 1,5 triệu lao động trực tiếp với 45% được đào tạo chuyên ngành du lịch; lao động tại các cơ sở lưu trú khoảng 780.000 người. Thế nhưng, hiện nay mặc dù 90% cơ sở lưu trú đã đi vào hoạt động bình thường, song chỉ có 300.000 người lao động, trong đó nhiều người chưa được đào tạo đầy đủ.

“Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang dần hồi phục, nhưng nhiều khách sạn không đủ lao động, nên đã tuyển dụng tạm thời những người không có kinh nghiệm, dẫn đến chất lượng dịch vụ không đáp ứng khách hàng” - ông Nguyễn Quang thông tin.

Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy cho biết trong bối cảnh ngành du lịch có nhiều thay đổi, xu hướng du lịch sau đại dịch đòi hỏi nguồn nhân lực phải đáp ứng các yêu cầu mới về số hóa và ứng dụng công nghệ trong du lịch. Do đó, chúng ta cần nâng cao công tác đào tạo, giúp nguồn nhân lực du lịch giữ được tình thần yêu nghề sau thời điểm khó khăn. Cùng với đó, cần có những chính sách hỗ trợ, giữ chân người lao động trong thời gian sắp tới.

Dưới góc độ DN, Tổng Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Dân chủ Hà Nội Nguyễn Hồng Hải - chủ đầu tư khách sạn De La Opera Hà Nội cho hay, việc nhân sự ngành lưu trú nghỉ việc đã khiến hầu hết khách sạn rơi vào tình trạng "đói" lao động. Ở nhiều đơn vị, một nhân viên phải kiêm các vị trí khác nhau, như lễ tân khách sạn kiêm luôn nhân viên chăm sóc khách hành, tài xế kiêm nhân viên hành lý, phục vụ tại sảnh khách sạn.

Chia sẻ về vấn đề nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch bị hao hụt, Giám đốc khách sạn Grand Vista Bùi Thanh Tùng cho biết, nhiều khách sạn trên địa bàn Hà Nội “mất” khoảng 20 - 30% nhân viên hoặc buộc phải cho nhân viên nghỉ việc vì dịch Covid-19.

 

Theo: Báo Kinh tế và Đô thị

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.04946 sec| 658.148 kb