Hơn 50% doanh nghiệp không 'tha thiết' gì với việc hợp tác đào tạo cùng trường nghề

Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), số lượng doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có hợp tác đào tạo kỹ năng nghề còn thấp.

Chưa hài lòng về chất lượng đào tạo

Theo các khảo sát mới đây của VCCI, tỷ lệ doanh nghiệp không hài lòng với chất lượng nhân lực sau đào tạo tăng lên trong những năm gần đây. Vấn đề sinh viên ra trường vào làm tại doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại dù không mới, nhưng luôn là nút thắt cần tháo gỡ của ngành giáo dục. Thực tế này đặt ra những yêu cầu về đổi mới trong hệ thống giáo dục cũng như sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, nâng cao nguồn cung cho thị trường lao động là trách nhiệm của cả doanh nghiệp và các trường đào tạo. Theo ông Vũ Tiến Lộc, với sự thay đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong tương lai sẽ có khoảng 70% công việc hiện tại mất đi và xuất hiện thêm nhiều nghề mới. Do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải thường xuyên thay đổi để đáp ứng tốt hơn.

Hơn 50% doanh nghiệp không 'tha thiết' gì với việc hợp tác đào tạo cùng trường nghềỨng dụng các thiết bị hiện đại trong công tác dạy nghề.

"Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần gọn gàng hơn và thời gian đào tạo được rút ngắn. Hiện nay, các nước đào tạo đại học chỉ 3 năm, trong khi Việt Nam lại mất từ 4 - 5 năm và cao đẳng là 3 năm. Nếu chúng ta đào tạo 4 - 5 năm, khi người học ra trường thì có thể nghề được đào tạo đã thay đổi. Vì thế cần rút ngắn thời gian đào tạo và kết hợp đào tạo theo hình thức online, giữa xưởng và trường”, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị.

Doanh nghiệp là động lực chính thúc đẩy hoạt động của giáo dục nghề nghiệp. Trước mắt, doanh nghiệp cần hợp tác với cơ sở giáo dục để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. “Doanh nghiệp không nên chờ các trường đào tạo xong rồi tuyển dụng nhưng lại kêu đào tạo không đáp ứng yêu cầu. Doanh nghiệp cần định hướng nhu cầu nghề nghiệp, công việc, cùng nhà trường tham gia soạn thảo chương trình, giáo trình dạy nghề. Các kỹ sư, công nhân giỏi, các nhà quản lý giỏi tham gia vào giảng dạy ở nhà trường, tiếp nhận thực tập sinh”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Trong bối cảnh Việt Nam phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do CPTPP, Chủ tịch VCCI nhận định, giáo dục nghề nghiệp cũng cần có những chuyển biến để phù hợp với những tiêu chuẩn khắt khe về lao động. Theo các chuyên gia về lao động, vấn đề lớn nhất đối với giáo dục nghề nghiệp là sớm thay đổi thái độ, nhận thức của các cơ quan nhà nước, cơ sở đào tạo nghề công và cả doanh nghiệp để thấy rằng việc tăng cường hợp tác với khu vực tư, thúc đẩy xã hội hóa sẽ là giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ công tác dạy nghề trong thời gian tới.

Chủ động hợp tác

TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN cho biết, tính đến năm 2018 cả nước có 1.954 cơ sở GDNN, trong đó có 538 cơ sở thuộc doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp có hợp tác với doanh nghiệp mới chỉ chiếm 41,5%; trong đó doanh nghiệp có hợp tác thường xuyên với trường nghề chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 12,3%. Số còn lại không có bất kỳ hoạt động hợp tác nào với cơ sở GDNN.

Là một trong những cơ sở được đánh giá có hợp tác thành công với doanh nghiệp, ông Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng Nai cho rằng, để làm tốt được việc hợp tác với doanh nghiệp điều đầu tiên chính là các nhà trường thay đổi toàn bộ nhận thức, coi doanh nghiệp là yếu tố sống còn đối với sự tồn tại và phát triển của mình. Cùng với thay đổi nhận thức, nhà trường phải thể hiện được quyết tâm “làm bằng được”.

Hơn 50% doanh nghiệp không 'tha thiết' gì với việc hợp tác đào tạo cùng trường nghềGắn đào tạo với thực hành.

Theo ông Lê Anh Đức, khi hợp tác các doanh nghiệp, nhà trường kỳ vọng có những cơ chế, cũng như kế hoạch, chương trình đào tạo xuất phát từ chính nhu cầu của doanh nghiệp. Lấy ví dụ thực tế tại trường mình, ông Lê Anh Đức cho biết từ khi “bắt tay” với doanh nghiệp, trường đã xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên chuyên môn để có thể tham gia cùng với doanh nghiệp. Đồng thời, trường cũng tạo điều kiện để sinh viên được thực tập, làm việc với doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp luôn có nguồn nhân lực sẵn sàng đáp ứng trong mọi thời điểm.

Từ sự gắn kết này, ông Lê Anh Đức cho rằng thương hiệu của nhà trường đã được nâng lên rõ rệt, sản phẩm đào tạo được doanh nghiệp ghi nhận và chính bản thân sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm với mức thu nhập tốt. Nhờ vậy, tỷ lệ tuyển sinh của trường sau khi có hợp tác với doanh nghiệp liên tục tăng, cụ thể từ năm 2010 đến nay số học viên tăng mỗi năm khoảng 20%, riêng năm 2018 tăng 35,7%.

Mặc dù những hiệu quả khi cả doanh nghiệp và nhà trường có sự gắn kết chặt chẽ đã được kiểm chứng, song trên thực tế theo bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI thì công tác hỗ trợ kết nối để doanh nghiệp đến gần hơn với nhà trường còn hết sức khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng là hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm đến các nhà trường và ngược lại, nhà trường cũng tự tìm đến doanh nghiệp thay vì chỉ trông chờ từ một phía như trước kia.

TS Vũ Xuân Hùng cũng cho rằng, để việc kết nối với doanh nghiệp thực sự có hiệu quả, bản thân các cơ sở GDNN phải năng động hơn, nhất thiết phải có bộ phận chuyên trách kết nối với doanh nghiệp để tiếp cận với doanh nghiệp ngay từ khâu tuyển sinh, làm sao công tác này gắn với tuyển dụng và việc làm.

Thời gian tới, Nhà nước sẽ đẩy mạnh giao tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở GDNN. “Trong một thời gian dài các trường công về GDNN được Nhà nước lo hết mọi thứ, từ chi phí đến tuyển dụng, nhân lực dẫn đến rất nhiều cơ sở thụ động, trông chờ. Do đó, giao tự chủ để các trường phải năng động hơn, đặc biệt trong hoạt động đào tạo và tìm kiếm doanh nghiệp. Nhiều trường thụ động nhưng khi Nhà nước buông chắc chắn sẽ phải thay đổi”, ông Vũ Xuân Hùng nhấn mạnh.

Cũng theo TS Vũ Xuân Hùng, bài toán chất lượng của GDNN sẽ không giải quyết được nếu không có sự gắn kết với doanh nghiệp, bởi vì nguồn lực của Nhà nước trong việc đảm bảo chương trình, giáo viên, cơ sở vật chất chỉ có thể trong một chừng mực nhất định.

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.10218 sec| 660.742 kb