ILO: Khoảng 10 triệu lao động Việt bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong quý II?

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam vừa công bố báo cáo nhanh về tác động của COVID-19 tới thị trường lao động Việt Nam, phân tích tác động theo lĩnh vực kinh tế và ước tính quy mô việc làm bị ảnh hưởng.Theo ILO, đến cuối quý 2, khủng hoảng từ dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6-10,3 triệu lao động. Người lao động bị giảm số giờ làm, giảm lương hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất việc.

ILO: Khoảng 10 triệu lao động Việt bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong quý II?

Theo đánh giá của ILO, số liệu thống kê quốc gia trong quý 1 thể hiện khủng hoảng COVID-19 chỉ tạo nên tác động nhỏ đối với thị trường lao động Việt Nam. Phân tích các chỉ số thị trường lao động từ các số liệu mới nhất cho thấy việc làm, tình trạng thất nghiệp và số giờ làm việc trong quý 1 vẫn chưa bị tác động nhiều.

Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây cho thấy thị trường lao động phản ứng với suy thoái kinh tế có độ trễ. Điều này là bởi các doanh nghiệp trước tiên luôn cố duy trì lực lượng lao động của mình lâu nhất có thể bằng cách cắt giảm sản lượng cho đến khi không còn tiếp tục duy trì được nữa. Sự tác động của dịch bệnh đến thị trường lao động có thể sẽ rõ rệt hơn trong quý 2.

Các chuyên gia ILO đã đưa ra hai kịch bản tác động gồm kịch bản có mức độ tác động thấp hơn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng trong quý 2 và kịch bản còn lại là mức độ tác động lớn hơn khi phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn được áp dụng.

Theo đó, đến cuối quý 2, khủng hoảng có thể ảnh hưởng đến sinh kế của 4,6-10,3 triệu lao động. Người lao động bị giảm số giờ làm, giảm lương, hoặc trong trường hợp xấu nhất là mất việc.

Theo kịch bản có mức tác động lớn, sẽ có 3,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 2,6 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn bán lẻ, sửa chữa xe gắn máy, xe máy và 1,4 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống bị ảnh hưởng...

Ở kịch bản có mức tác động thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến 1,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 0,9 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ và 0,9 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp hiện đang sử dụng tổng cộng 18,9 triệu lao động được đánh giá có nguy cơ thấp nhưng các phân ngành phục vụ xuất khẩu cũng có thể phải đối diện với nhiều thách thức.

Theo ILO, lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không được tiếp cận các mạng lưới bảo trợ xã hội của Nhà nước chi trả. Lao động dễ bị tổn thương đặc biệt có nguy cơ phải đối diện rủi ro về kinh tế do phần đông làm các công việc phi chính thức với mức lương thấp và nhiều khả năng họ không có tiền tiết kiệm. Phụ nữ chiếm số đông trong hầu hết các lĩnh vực phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh của các hoạt động kinh tế.

Trong 5 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID19, việc làm phi chính thức chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt là trong những ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, lao động phi chính thức chiếm tới hơn 81%.

Các chuyên gia ILO nhận định, mức độ tổn thất về sinh kế sẽ phụ thuộc vào diễn tiến của dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh do Chính phủ Việt Nam và các nước khác áp dụng.

Ngoài ra, khó có thể dự đoán được diễn biến của cú sốc do dịch bệnh COVID-19 gây ra bằng cách so sánh với các cuộc khủng hoảng khác trong quá khứ do tính chất khủng hoảng này chưa từng có tiền lệ. Các quốc gia vừa áp dụng các cách tiếp cận khác nhau để kiểm soát dịch bệnh vừa tự điều chỉnh dựa trên kinh nghiệm vốn có và kinh nghiệm học hỏi được từ các quốc gia khác.

Việt Nam đã kiểm soát cuộc khủng hoảng y tế COVID-19 rất tốt trong những tháng đầu năm 2020. Các chuyên gia ILO dự báo, ngay cả khi Việt Nam lựa chọn gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc, cuộc khủng hoảng (bất kể là trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nền kinh tế) có thể sẽ tác động đến tổng mức tiêu dùng do phương diện tài chính của người dân đã bị suy giảm, từ đó kéo theo tác động đến khả năng của cầu trong nước để duy trì nền kinh tế./.

Khi ILO thực hiện báo cáo nhanh này, Việt Nam đã nới lỏng biện pháp cách ly xã hội ở một số khu vực trên toàn quốc được khoảng 1 tuần. Việc nới lỏng chưa được áp dụng đối với một số địa phương cũng như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, là hai trung tâm kinh tế đô thị chính của Việt Nam và các quy tắc giãn cách xã hội vẫn chưa được gỡ bỏ. Động thái này sẽ giảm nhẹ đôi chút tác động kinh tế từ kênh trực tiếp. Tuy nhiên, trong khi đó các nước đối tác thương mại của Việt Nam vẫn đang trong tâm điểm cuộc chiến chống COVID-19. Một số đối tác xuất khẩu hàng đầu đã gia tăng mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh kể từ đầu tháng 4. Khó có thể dự báo được khi nào tác động kinh tế từ kênh gián tiếp sẽ được giảm nhẹ. Trong trung hạn, ngay cả khi Việt Nam cần lựa chọn gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc, cuộc khủng hoảng (bất kể là trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nền kinh tế) có thể sẽ tác động đến tổng mức tiêu dùng do phương diện tài chính của người dân đã bị suy giảm, từ đó kéo theo tác động đến khả năng của cầu trong nước để duy trì nền kinh tế.

Văn Lý

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.04752 sec| 656.875 kb