Rộng cửa tuyển sinh chương trình 9+

Rộng cửa tuyển sinh chương trình 9+
Số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở năm nay tăng lên cùng các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề được triển khai đồng bộ là yếu tố thuận lợi để Hà Nội rộng cánh cửa tuyển sinh cho hệ đào tạo 9+. Nắm bắt cơ hội này, các cơ sở GDNN ở Thủ đô tăng cường tuyển sinh hệ 9+, mở rộng ngành nghề, đổi mới phương thức đào tạo để thu hút thí sinh.

Chủ động nắm bắt cơ hội

Theo chỉ tiêu phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội có hơn 27.000 học sinh được tuyển vào các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và các trường nghề, chiếm hơn 21% tổng số học sinh, tăng so với những năm trước đó. Hơn nữa, với mong muốn tiếp cận cơ hội việc làm sớm, hiện nay, nhiều người trẻ có xu hướng lựa chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Đây là cơ hội tốt để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội mở rộng tuyển sinh cho chương trình 9+.

Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Giải quyết việc làm (Trường Cao đẳng cao Hà Nội) Nguyễn Yên Thắng cho biết, để chủ động nắm bắt cơ hội, từ đầu năm 2023, trường đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh hệ 9+ với 600 chỉ tiêu, tăng hơn 30% so với năm trước. Cùng mong muốn có nguồn đầu vào chất lượng với 400 chỉ tiêu cho hệ 9+ (tăng 10% so với năm trước), lực lượng cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội tiến hành tư vấn tuyển sinh 24/7 với phụ huynh và học sinh khối 9 năm học 2022-2023 qua nhiều kênh thông tin. Nhờ đó, các chương trình đào tạo của đơn vị này được đông đảo người dân biết đến.

“Gia đình tôi đánh giá cao nghề công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. Cho nên, con trai tôi sẽ đăng ký theo học nghề này. Đến lúc này cháu cũng rất hứng thú với lựa chọn của mình”, chị Nguyễn Ánh Tuyết, trú tại ngõ 82 phố Chùa Láng (quận Đống Đa) cho hay.

Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác, công tác tuyển sinh với nhóm học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở cũng được các đơn vị tập trung, ưu tiên thực hiện. Trong số này, Trường Cao đẳng nghề Nguyễn Trãi tuyển sinh hàng trăm chỉ tiêu hệ trung cấp với nhóm đối tượng 9+. Các trường trung cấp, như: Trường trung cấp nghề Tổng hợp Hà Nội, Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Công nghệ Hà Nội… cũng xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm 2023 với số lượng chỉ tiêu cho chương trình 9+ bằng hoặc cao hơn những năm trước.

Rộng cửa tuyển sinh chương trình 9+
Một giờ thực hành của học sinh chương trình 9+ tại Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội.

Đổi mới để nâng cao chất lượng

Nhằm thu hút thí sinh lựa chọn học nghề chương trình 9+, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với mong muốn đa dạng của người học và nhu cầu sử dụng lao động của thị trường việc làm. Đơn cử như tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội, ngoài danh mục ngành nghề đào tạo đa dạng, trong đó có những nghề thị trường đang khan hiếm nguồn nhân lực (công nghệ thông tin, du lịch - lữ hành…), nhà trường còn khẳng định chắc chắn “nói không với thất nghiệp”.

Tương tự, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cam kết 100% học viên tốt nghiệp đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia sẽ có việc làm với mức thu nhập từ 7-15 triệu đồng/tháng. “Hiện nay, số lượng học viên tốt nghiệp của nhà trường không đủ cung ứng cho nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nên người học và gia đình không lo thiếu cơ hội việc làm”, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

Không chỉ chú trọng bảo đảm đầu ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn quan tâm đổi mới phương pháp đào tạo. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho hay: “Chúng tôi ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy nhiều môn học. Trong quá trình học, học sinh luôn là đối tượng trung tâm, còn giáo viên giữ vai trò định hướng, dẫn dắt. Những yếu tố này giúp học sinh 9+ tiếp cận với phương pháp học tập, làm việc hiện đại từ sớm”.

Còn tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, năm học 2023-2024, nhà trường dự kiến thay đổi cách thức đào tạo với hệ 9+, trong đó năm đầu tiên chủ yếu tập trung dạy văn hóa trung học phổ thông, từ năm thứ 2 sẽ giảng dạy song song 2 chương trình.

Từ thực tế đào tạo tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho thấy, sau khi tốt nghiệp hệ 9+, khoảng 50% học sinh tiếp tục học liên thông lên cao để có tay nghề vững vàng, cơ hội việc làm rộng mở; khoảng 10-20% học sinh thi vào các trường cao đẳng, đại học. Số còn lại tham gia thị trường lao động. Những con số này là minh chứng rõ nhất để khẳng định hiệu quả của chương trình 9+.

Dưới góc độ quản lý về giáo dục nghề nghiệp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, đối tượng học nghề theo chương trình 9+ vừa được ưu tiên tuyển sinh, quan tâm bảo đảm chất lượng đào tạo, vừa được hỗ trợ về học phí trong suốt quá trình học tập. Phụ huynh, học sinh có thể yên tâm lựa chọn chương trình 9+ làm con đường lập thân, lập nghiệp cho lao động trẻ.

Theo: Báo Hà Nội mới

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.34845 sec| 662.125 kb