Tư vấn hướng nghiệp 2019: Ngành nào thị trường đang "khát"?

Sáng ngày, 27.6, Báo Lao Động tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến: "Tư vấn hướng nghiệp 2019: Ngành nào thị trường đang khát". Chương trình được tường thuật trên Laodong.vn.

Thời điểm tuyển sinh chuyển cấp và tuyển sinh đại học, cao đẳng hàng năm, hàng triệu gia đình, các bậc phụ huynh và học sinh lại trăn trở với câu hỏi: học ngành gì để có cơ hội việc làm cao, thu nhập tốt, phù hợp với năng lực,…

Trong khi thị trường lao động còn hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp, thì theo một công bố mới đây của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, có tới 85% học sinh sau học nghề có việc làm và thu nhập ổn định.Trên thực tế, câu hỏi chọn ngành, chọn nghề chưa bao giờ là đơn giản với mỗi bậc phụ huynh, mỗi học sinh. Nhằm chia sẻ nỗi trăn trở này và mong muốn mang lại cho quý phụ huynh, học sinh những lời khuyên xác đáng từ chuyên gia, Báo Lao Động sẽ có cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở với ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.Cùng với những tư vấn về chọn trường, chọn nghề, TS Bùi Sỹ Lợi sẽ cung cấp thêm thông tin về các công việc, ngành nghề mà thị trường đang khát, dự đoán nhu cầu nhân lực trong 5 – 10 năm tới để quý phụ huynh, học sinh cùng có cái nhìn đúng đắn, chọn trúng ngành theo đòi hỏi thực tế từ thị trường lao động.Mở đầu Chương trình giao lưu trực tuyến: "Tư vấn hướng nghiệp 2019: Ngành nào thị trường đang khát", Phó Tổng biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc tặng hoa cho khách mời - ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Phó Tổng biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình chúc tặng hoa cho khách mời - ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Phạm Đông
Phó Tổng biên tập Báo Lao Động Nguyễn Đình Chúc tặng hoa cho khách mời - ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Phạm Đông
Làm thầy hay làm thợ?MC Lê Phương: Thưa ông, nhiều trường nghề tự hào cho hay, trong các khóa tốt nghiệp của một số ngành kỹ thuật, học sinh của họ được các DN săn đón và tuyển dụng ngay với mức lương hàng chục triệu đồng. Trong khi đó, hàng trăm nghìn cử nhân đang thất nghiệp, chạy xe ôm công nghệ, chuyển sang học nghề. Ông đánh giá như thế nào về thực tế này?Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Thời bao cấp, cha mẹ và bản thân học sinh thi tốt nghiệp cấp 3 đều muốn con cái được vào học đại học. Tư duy đó chỉ phù hợp với thời kỳ bao cấp. Khi chuyển đổi sang kinh tế thị trường, tư duy này không còn phù hợp và thực tế đã kiểm định.Vấn đề quan trọng ở đây là làm sao để có việc làm gắn được với thị trường lao động, có thu nhập phục vụ được cuộc sống. Hàng loạt người tốt nghiệp đại học tiếp tục học thạc sĩ, tiến sĩ, nhưng sau lại quay về làm công nhân. Do đó, điều quan trọng là phải có việc làm bền vững, ổn định, đảm bảo nhu cầu sống của bản thân và gia đình. Làm sao khi tốt nghiệp một trường nghề nào đó, người lao động phải đảm bảo được việc làm.Chúng ta có được bài học cung cấp tín dụng cho sinh viên sau khi ra trường với mong muốn sinh viên ra trường có việc làm, nhưng vẫn chưa triển khai được vì nhiều sinh viên ra trường không có việc làm nên không hoàn trả lại được tiền hỗ trợ. Các trường phải đào tạo gắn với sử dụng và theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Tín hiệu đáng mừng là kỳ tuyển sinh năm 2019, có hơn 230.000 người không đăng ký vào đại học. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ đăng ký vào trường nghề hoặc chuyển đổi sang hướng khác.MC Lê Phương: Theo thống kê nhiều trường nghề, những sinh viên tốt nghiệp ở những trường này được doanh nghiệp săn đón. Trong khi đó, nhiều sinh viên cầm tấm bằng đại học trong tay vẫn loay hoay tìm kiếm việc làm cho mình. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?- Ông Bùi Sỹ Lợi: Đào tạo gắn với tuyển dụng và nhu cầu xã hội đang cần. Tổng kết nhiều trường nghề cho thấy sinh viên tốt nghiệp ở những trường này có việc làm ngay đã đánh giá được đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng. Luật Giáo dục vừa qua đã khẳng định việc phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS đến THPT phân luồng ít nhất 30% vào học nghề. Đào tạo của chúng ta liên thông, tốt nghiệp Cao đẳng nghề hoàn toàn có thể vào đại học hoặc thi tốt nghiệp vào trường Đại học nào đó. Người lao động có thể đi nhiều con đường, nhưng mục tiêu vẫn có thể trở thành kỹ sư, Thạc sĩ. Chúng ta hoan nghênh việc liên thông và học tập suốt đời.Về vấn đề thừa thầy thiếu thợ, không phải chúng ta thừa “thầy” mà “thầy” không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đúng là chúng ta thiếu thợ. Hiện nay chúng ta đang mất cân đối giữa người lao động là công nhân và lao động có trình độ đại học… Hiện nay, chúng ta mới chỉ đảm bảo 1/10 công nhân kỹ thuật. Chúng ta cần thay đổi tư duy, sắp xếp lại cơ sở đào tạo.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Trần Vương
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trả lời tại Chương trình giao lưu trực tuyến. Ảnh: Trần Vương
MC Lê Phương: Hiện nay, cánh cổng trường Đại học đang mở rộng và nhiều gia đình vẫn còn tâm lý cho con đi học đại học. Theo ông, đây có phải là những khó khăn trong quá trình tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp?- Ông Bùi Sỹ Lợi: Đào tạo ra nhưng không sử dụng gây lãng phí xã hội và bản thân người học. Các trường Đại học hạ điểm chuẩn để đủ tiêu chí tuyến sinh. Ngay việc điểm chuẩn không đảm bảo yêu cầu đã không đáp ứng được chất lượng học sinh. Điều này dẫn đến nhóm này khi ra trường sẽ rất khó khăn trong tìm kiếm việc làm.Bên cạnh đó, các trường nghề đưa vào đào tạo đúng ngành nghề xã hội đang cần thì về đầu ra, doanh nghiệp sẽ dễ dàng lựa chọn lao động. Chúng ta cần chuyển đổi cơ chế để nhà trường và doanh nghiệp gắn kết với nhau. Chính việc đó sẽ tránh được lãng phí xã hội và cho gia đình, cũng như bản thân người học. Không nên giao chỉ tiêu hay cơ cấu đào tạo cho các trường. Nếu đào tạo đại học các ngành kỹ thuật sẽ chuyển sang làm công nhân, kỹ sư rất tốt. Còn các ngành xã hội, nhân văn hiện nay số lượng quá nhiều.Cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế mở- ngành nghề nào sẽ lên ngôi?MC Lê Phương: Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thổi bay nhiều nhiều ngành nghề. Các cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì…?- Ông Bùi Sỹ Lợi: Khi làm Luật Việc làm, chúng tôi đã dự báo được vấn đề này, chúng tôi đã cho hình thành trung tâm dịch vụ việc làm công. Tuy nhiên, ngoài dịch vụ việc làm công, chúng ta vẫn có thể hình thành các trung tâm dịch vụ việc làm theo cách họ tự đăng ký và do tư nhân làm. Trong kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, công việc dự báo về thị trường lao động là của cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng ta giao việc đó cho trung tâm dịch vụ việc làm; điều tra, đánh giá đánh giá tình lao động, tình hình thất nghiệp và dự báo thị trường lao động để kết nối giữa cung lao động và cầu lao động. Đó không ai khác chính là cơ quan quản lý nhà nước và đó chúng ta gọi là dịch vụ việc làm công.
Ảnh: Trần Vương
Ảnh: Trần Vương
MC Lê Phương: Cuộc cách mạng 4.0, ngành nào sẽ lên ngôi, thưa ông?- Ông Bùi Sỹ Lợi: Theo tôi, ngành hot sẽ tập trung vào vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam. Cuộc CMCN 4.0 sẽ loại bỏ lao động một số ngành như dệt may, da giày…, những ngành sử dụng quá nhiều lao động phổ thông. Hàng loạt công nhân sẽ có nguy cơ mất việc làm. Một số ngành sẽ là ngành hot như: Công nghệ thông tin – ngành cốt lõi của CMCN 4.0, có khả năng miễn dịch với khủng hoảng kinh tế; công nghệ kỹ thuật điện; robot và trí tuệ nhân tạo – tâm điểm của CMCN 4.0.Các ngành tiếp theo là: Công nghệ sinh học tạo ra năng xuất lao động cao và tạo ra sản lượng cho DN; phát triển Internet di động, điện toán đám mây… Các ngành về dịch vụ cũng có xu hướng hot như: Phát triển và xây dựng in 3D. Ngoài ra, các ngành dịch vụ tài chính đâu tư, thiết kế, y tế, sửa chữa ôtô, điện lạnh, làm đẹp… cũng là những ngành có xu hướng trở thành ngành hot.Đi trước đón đầu cuộc CMCN 4.0 không chỉ là đào tạo nhân lực cho tương lai mà còn là đào tạo lại nguồn lao động đã có, đang làm việc trong các dây chuyền sản xuất. Nhà nước và doanh nghiệp cần phối hợp trong vấn đề này.Trong khu vực sản xuất kinh doanh, nếu lao động không đáp ứng được nhu cầu thì ngay lập tức sẽ bị đào thải, loại khỏi dây chuyền sản xuất. Vì vậy, ngay trong các cơ quan, doanh nghiệp, cần đào tạo bổ sung thêm các ngành nghề dịch vụ khác cho người lao động để phục vụ tương lai nếu chẳng may doanh nghiệp phá sản. Các doanh nghiệp cần phát huy tính năng động trong vấn đề này. Đồng thời, các trung tâm dịch vụ việc làm cần định hướng cho các doanh nghiệp.
Ông Bùi Sĩ Lợi. Ảnh: Phạm Đông
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trả lời tại Chương trình giao lưu trực tuyến. Ảnh: Phạm Đông
Đại học có phải là con đường duy nhất vào đời?- MC Lê Phương: Thưa ông, dù nhiều ý kiến cho rằng đại học không phải là con đường duy nhất vào đời, người ta cũng viện dẫn nhiều tấm gương tỷ phú, triệu phú nổi tiếng thế giới không học đại học hoặc bỏ học giữa chừng khi đang học đại học. Tuy nhiên, đối với không ít gia đình và doanh nghiệp tại Việt Nam, một bộ hồ sơ tốt nghiệp đại học vẫn có sức hấp dẫn hơn các trường khác?Ông Bùi Sỹ Lợi: Không phải đại học là con đường duy nhất dẫn đến thành công, như Bill Gates là một bài học. Chúng ta phải thay đổi tư duy là làm gì chứ không phải học gì, không phải để đánh bóng tên tuổi. Cái đích cuối cùng của chúng ta là làm gì và có thu nhập như thế nào để đảm bảo được cuộc sống. Hiện nay, xuất hiện rất nhiều người học xong, tốt nghiệp đã từ bỏ thành phố, về nông thôn làm nông nghiệp sạch… Điều này rất đáng trân trọng. Học càng nhanh, làm càng nhanh có thu nhập sẽ tốt hơn. Học càng dài nhưng không có việc làm thì hiệu quả sẽ không cao.MC Lê Phương: Việc thay đổi tư duy cho chính học sinh và phụ huynh về việc học những cái mình thích hoặc học những cái bố mẹ có quen biết, có quan hệ hay là học những cái thị trường cần cũng không hề đơn giản. Ông đánh giá thế nào về việc từ phía nhà nước họ muốn cung cầu lao động sao đúng thực tế?- Ông Bùi Sỹ Lợi: Đây là điều rất đáng suy nghĩ, Luật Giáo dục cũng đã phân luồng học sinh từ phổ thông cơ sở, PTTH. Học nghề ngay từ phổ thông cơ sở, không nhất thiết phải học đại học. Chuyển ngay một bộ phận vào học lao động nghề nghiệp. 2 bộ đang quản lý vấn đề này là bộ giáo dục đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh xã hội phải có trách nhiệm định hướng cho nhà nước về chiến lược phát triển nguồn nhân lực của đất nước trong 5 năm, 10 năm và tương lai. Phải dự báo được tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước và thế giới, để có dự báo các lĩnh vực ngành nghề. Việc chuyển biến nhận thức của người học phải từng bước, chúng ta đã đi rồi, đó chính là phân luồng học sinh.Hiện nay, với sự phát triển của thị trường lao động, nhiều ngành nghề ra đời và phát triển. Không vào Đại học thì nên học nghề hoặc có những lựa chọn khác. Khi chưa có điều kiện, chúng ta đi từ thấp lên cao, từ công nhân, chúng ta vẫn có thể liên thông lên. Các cháu nên lựa chọn công việc, hướng đi phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội.
Kính mời bạn đọc gửi câu hỏi, thắc mắc về lĩnh vực chọn ngành, chọn nghề, hướng nghiệp... tới hòm thư điện tử lehoabld@gmail.com để được chuyên gia giải đáp.
NHÓM PV/laodong.vn

Bình luận

0 bình luận, đánh giá

TVQuản trị viênQuản trị viên

Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm

Trả lời.
Thông tin người gửi
Thông tin người gửi
0.03356 sec| 672.336 kb